2 tháng 8, 2016

THÔNG BÁO DỜI NHÀ

Để tăng cường an ninh và tạo môi trường sạch đẹp hơn, EvoLit đã chuyển sang www.sinhtienhoa.wordpress.com, mời đồng bào sang ủng hộ.

Blog này sẽ dùng để lưu trữ và sẽ không tiếp nhận comment mới nữa.
Chào thân ái và quyết thắng ^^

14 tháng 7, 2016

Tổng Hợp: Những "Lừa Đảo" Của Tiến Hóa

Đây là bài tổng hợp, nêu ý chính dẫn chứng, sẽ được cập nhật dần dần (và từ từ sẽ có bài đầy đủ) về sự thật đằng sau những lời kết tội hùng hồn của người chống tiến hóa:

1. Những hình vẽ phôi thai Haeckel

Tin đồn: “Haeckel là kẻ đã bị kết tội lừa đảo khi cố tình vẽ ra những điểm giống nhau của các sinh vật ở giai đoạn mầm đuôi để làm bằng chứng cho tiến hóa. Những hình vẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong mọi cuốn sách giáo khoa có đề cập đến tiến hóa để làm "bằng chứng" cho "giáo phái tiến hóa".”
Sự thật:
Thứ 1, bài báo đã đưa vụ này lùm xùm trở lại thật sự chỉ là một mục điểm tin đã phóng đại một phần của một bài báo khoa học nói về các thông tin khoa học lạc hậu và xoáy Haeckel có chủ đích.
Thứ 2, Haeckel chưa bao giờ nhận tội, mà chỉ khẳng định hình vẽ trong khoa học thường là giản đồ.  
Thứ 3, Haeckel chưa bao giờ bị chính thức kết tội, chính nhà khoa học đã phê bình Haeckel trong bài báo gốc cũng nói:
Thứ 4, những cuốn sách giáo khoa không hề có ý lấp liếm gì cho Haeckel, và lí do họ dùng lại những hình vẽ là đơn thuần về kinh tế. Và chúng đã trình bày khá tốt những sự tương đồng có thực...
Thứ 5, ...mà chính những nhà khoa học người theo Sáng tạo luận, tin vào Chúa Trời đã ghi nhận trước khi thuyết tiến hóa ra đời! GS. Agassiz từng nhận xét vào năm 1849: "Chúng tôi cũng nhận thấy rằng dơi hay chim non hay rắn con, trong những giai đoạn phát triển nhất định, giống nhau đến mức, sẽ là một thách thức với bất kỳ ai muốn phân biệt chúng với nhau - hay phân biệt một con dơi và một con rắn" (Scientific American 1849).


Thứ 6, và người chống tiến hóa cũng được đà dìm hàng những tương đồng ấy, nhưng sự thực là khoa học càng phát triển thì ta càng phát hiện nhiều hơn những đặc điểm không chỉ về ngoại hình mà còn về di truyền trong phôi học, thống nhất các loài.




Xem chi tiết

Richardson cũng nói:

Dữ liệu từ trong môn phôi học hoàn toàn phù hợp với tiến hóa Darwin. Những hình vẽ nổi tiếng của Haeckel là một cause célèbre ( tạm dịch: tin hỷ) cho những người theo STL. Những bản cũ nhất (của những hình vẽ ấy) cho thấy những phôi thai nhìn gần như giống hệt nhau giữa những loài có xương sống. Ở mức độ căn bản, Haeckel đã đúng: tất cả các loài vật có xương sống phát triển theo cùng một sơ đồ (bao gồm nguyên sống, các phần cơ thể, các túi hầu v.v). Hướng phát triển chung phản ánh lịch sử tiến hóa chung. Nó cùng phù hợp với tràn ngập những bằng chứng gần đây rằng sự phát triển của những động vật khác nhau được điều khiển bởi những cơ chế di truyền giống nhau” (Richardson, et al., 1998."Haeckel, Embryos and Evolution." Science, 280, p. 983) (iii)



Chỉ có một điểm mà nếu người chống tiến hóa và bạn đọc nhìn nhận thì tôi đã không phải viết dài dòng như thế: Bằng chứng cho tiến hóa KHÔNG phải hình vẽ Haeckel mà là thực tế về sự tương đồng của các phôi thai.

2. Piltdown Man (để tạm bản full ở đây làm tư liệu, ra bản mới mình cắt :3)

Không cuốn sách chống tiến hóa, không trang web anti Darwin nào có thể hoàn thiện mà không ai oán về vụ lừa đảo vĩ đại nhất của thuyết tiến hóa! Ờ, nó là một vụ lừa đảo, không phủ nhận, nhưng mà vì nó là làm giả sọ người vượn, nên nó nghiễm nhiên là vụ lừa đảo do thuyết tiến hóa chủ mưu, cũng giống như vụ lừa đảo của Schön là về bán dẫn đơn phân tử, nên nó nghiễm nhiên là vụ lừa đảo do công nghệ nano chủ mưu. Logic!


Cáo buộc: 1912 một chiếc sọ rõ ràng là người đi kèm một chiếc hàm giống vượn được công bố => các nhà tiến hóa mừng hết lớn, tung hê thành “mắt xích thiếu”, “tổ tiên con người” => che đậy, phù phép, nhởn nhơ trong sách vở => BÙM! 1953, Piltdown man chính thức bại lộ. Piltdown man là đại diện táo tợn nhất của “truyền thống” giả mạo bằng chứng tiến hóa!
Sự thật:
Tôi xin dẫn chứng hai nguồn trung lập, khách quan:


Xem chi tiết


Đại ý: Tất các bằng chứng đều chỉ mặt thủ phạm là Dawson, nhà sưu tầm xương nghiệp dư đã làm giả khoảng 38 phát hiện, hòng bước chân vào các tổ chức khoa học, với Piltdown, ông ta tham vọng được vào Hiệp hội Hoàng gia.


Xem chi tiết

Nước cốt: Dawson trong suốt sự nghiệp vừa miệt mài đào bới vừa làm giả đủ thứ từ rìu đá rồi tượng thời La Mã đến “cóc trong đá” mà mãi ông ta vẫn chưa có được một “big one”, một quả bom tấn đủ để một bước lên đài khoa học danh giá, thậm chí là được phong hiệp sĩ.



Nếu Dawson lên 60 Phút Mở và được hỏi “Động cơ làm giả Piltdown Man là gì?” thì câu trả lời không phải là thuyết tiến hóa, mà không gì khác ngoài tư lợi. Đây là một con người hám danh đã thử làm nhiều cổ vật lắm rồi mà chưa lên hương (hẳn là do môn lịch sử/khảo cổ đã có nhiều rìu và tượng) nên mới liều chơi tới hóa thạch, nhắm vào sinh học tiến hóa còn non trẻ, hóa thạch chưa nhiều. người chống tiến hóa có thể nói “Dù động cơ gì thì nó cũng được giương ra làm bằng chứng tiến hóa mà giới khoa học vồ vập không suy xét rồi lấp liếm trong hơn 40 năm”. Uh oh, không phải vậy.


Ngay từ đầu cuộc tranh cãi này đã có người nghi ngờ liệu xương hàm và sọ này có thật là của nhau không Piltdown man chưa bao giờ được yên ổn thờ phụng như người chống tiến hóa rêu rao, mà liên tục bị chất vấn và chỉ trích bởi các chuyên gia như nhà giải phẫu William King Gregory - nêu khả năng đây là hóa thạch giả ghép từ sọ người và hàm vượn (1913), nhà động vật học Gerrit S. Miller đăng bài báo khẳng định đó là hàm tinh tinh (1915), cũng vào khoảng thời gian này George Grant McCurdy từ Bảo tàng Tự Nhiên Peabody đưa ra những lý luận đanh thép cho thấy chúng không thể thuộc về cùng một con vật và W. Courtney Lyne, một nha sĩ, đã vạch trần rất nhiều bất cập của chiếc răng nanh tìm được cùng địa điểm (Theo Thomson, K. S. (1991). Piltdown Man: The Great English Mystery Story. American Scientist.)
Trang Hoaxes.org viết:


Xem chi tiết


Nước cốt: Khi được trình làng, Piltdown man ngay lập tức gây bão, nhiều người cho rằng xương hàm và sọ quá khác nhau nên không thể nào là cùng một sinh vật được. Rồi sau đó những người ủng hộ cũng chiến thắng và đã có một loài mới, Eoanthropus dawsoni.


Tại sao nhiều người nghi như vậy mà Piltdown man vẫn đi vào sách? Ngoài việc Dawson tìm ra thêm một “Piltdown II” năm 1915 làm cho những người nghi ngờ phải nín khe, lý do chính mang tính chính trị nhiều hơn là khoa học hay cái gọi là “niềm tin thuyết tiến hóa”: Đó là một món đồ giả tinh xảo đã được đón nhận nhiệt liệt bởi vì với việc tìm thấy người Anh đầu tiên mà có cả một cây gậy cricket kế bên [một mảnh xương voi hình chày], nước Anh đã có thể tuyên bố họ có một “người tiền sử” đủ sức đối trọng với những phát hiện bước ngoặt các hàng xóm ở châu Âu mấy thập kỷ nay đào lên rần rần như hàm Heidelberg, người Cro-Magnons, Neanderthals v.v để không còn phải mang tiếng là một nền khảo cổ “nhặt sỏi”.
(Cách dàn trang dài nên cắt màn hình không đẹp, tui sẽ copy + paste dẫn chứng)


Xem chi tiết

“It was a skillful forgery that was eagerly swallowed because now the British could claim a "dawn man" that countered continental discoveries such as the Heidelberg jaw.” (Thomson 1991, đd).     “The first Englishman with his own cricket bat – if nothing else it was one in the eye for French and German archaeologists whose discoveries of Cro-Magnons, Neanderthals and other early humans had been making headlines for several decades. Now England had a real fossil rival.” (Tờ Guardian viết)
“By the turn of the twentieth century, not only were many people comfortable with the general concept of human evolution, but there actually was also a feeling of national pride concerning the discovery of a human ancestor within one's borders.

The Germans could point to their Neandertal skeletons and claim that the first primitive human being was a German. The French could counter that their own Cro-Magnon-ancient, though not as old as the German Neandertals-was a more humanlike and advanced ancestor; therefore, the first true human was a Frenchman. Fossils had also been found in Belgium and Spain, so Belgians and Spaniards could claim for themselves a place within the story of human origin and development. Even so small a nation as Holland could lay claim to a place in human evolutionary history since a Dutchman, Eugene Dubois, in 1891 had discovered the fossilized remains of a primitive human ancestor in Java, a Dutch-owned colony in the western Pacific.

However, one great European nation did not and could not participate fully in the debate over the ultimate origins of humanity. That nation was England. Very simply, by the beginning of the second decade of the twentieth century, no fossils of human evolutionary significance had been located in England. This lack of fossils led French scientists to label English human paleontology mere "pebble-collecting” (Feder, K. (1990). Frauds, Myths, and Mysteries; Science and Pseudo-Science.)

Đó là hai điểm Dawson đã lợi dụng: sự nóng lòng tìm một biểu tượng khảo cổ quốc gia và sự thiếu thông tin của giới khoa học. Những năm đó, người ta vẫn chưa biết dạng trung gian của người và vượn cổ sẽ như thế nào: người thì có xương hàm nhỏ hơn vượn nhưng hộp sọ thì lại rất to, vậy câu hỏi là hàm tiến hóa trước hay sọ tiến hóa trước? Nên hiển nhiên, ngay khi sự hào hứng bất cẩn ban đầu dịu xuống và các hóa thạch khác được tìm thấy vào thập kỷ tiếp theo như người Bắc Kinh bởi (W. C. Pei và Teilhard de Chardin), xương mặt vượn người phương Nam (Raymond Dart, 1924) và nhiều di tích ở châu Âu cho thấy sự kết hợp giữa sọ tiên tiến và hàm nguyên thủy là bất thường. Thập niên 1920, 1930, Piltdown man bị ra rìa.  


Xem chi tiết

"As the years went on, other paleontological finds– especially the discovery of Peking man in the 1920s and 1930s by W. C. Pei and Teilhard de Chardin, the australopithecine facial skeleton discovered by Raymond Dart in 1924, and many other European remains showed that Piltdown man's combination of an advanced cranium and a primitive jaw was anomalous. Piltdown man became very much a side issue" (Thomson 1991, đd).   



Điều người chống tiến hóa không muốn bạn nghĩ tới, là nguyên nhân Piltdown man phải hạ màn chính là vì đã tìm thấy những hóa thạch xịn và sự phát triển của công nghệ định tuổi hóa thạch, cho thấy sự tiến triển theo hướng hàm trước, sọ sau. Đắng lòng thay, trái ngược với những gì người chống tiến hóa khẳng định, không những Piltdown man không chứng minh được thuyết tiến hóa, mà nó còn kìm hãm, gây bối rối cho ngành tiến hóa.
 
Đại ý: nó là một trong những lừa đảo tai hại nhất của khoa học mọi thời đại, vì nó giật lùi sự phát triển của thuyết tiến hóa trong nhiều năm do các nhà nghiên cứu vật vã vô ích sáp nhập nó trong cây hóa thạch.


Piltdown Man đã sống sót lâu như vậy, không phải vì nó quan trọng với thuyết tiến hóa (phả hệ người gọn gàng hơn nhiều nếu không có nó), mà là vì nó quan trọng với sĩ diện của nước Anh.

Bạn có từng nghe về Piltdown man khi đi học chưa? Chưa, và thật sự nó chỉ xuất hiện ở những khóa về lịch sử khoa học và các trang chống tiến hóa ;). Không phải vì người ta muốn giấu nó (giấu được tui đã không có nhiều tài liệu để viết như vậy, thực tế là vài năm báo chí lại bươi nó lên vì nó quá hay) mà cũng vì cùng lí do chúng ta không được học rằng Newton đã mát-xa số liệu trong cuốn Principia, quyển sách vật lý vĩ đại nhất mọi thời hay nhà thiên văn học - hiệp sĩ Ngài Arthur Eddington khi quan sát nhật thực, đã cố tình bỏ các kết quả không phù hợp với động cơ chính xác là để chứng minh thuyết tương đối của Einstein: những mẩu chuyện này thú vị, là bài học đạo đức khoa học quý báu, nhưng không phải kiến thức. Ngay cả lịch sử khoa học đàng hoàng (ông A ông B tìm được hột này hột kia trong nguyên tử *ngáp*) học sinh còn chẳng thèm học :(.


Đã hơn 60 năm kể từ khi nó bị knock-out hoàn toàn khỏi giới khoa học, thiết nghĩ người chống tiến hóa nên xem đến những gì hiện đại hơn. Chúng ta không còn ở năm 1912, đã có hơn 6000 di tích hóa thạch từ xương tới răng, được chụp hình toàn cảnh và trưng bày tại Bảo tàng Smithsonian và bạn có thể cầm lên và xem chi tiết, để hiểu được lịch sử loài người theo quan điểm khoa học.

[CÒN TIẾP TT_TT]

10 tháng 7, 2016

Khoa Học Và Nỗi Oan của Khoa Học Lịch Sử, Phần 1. Khoa học và những ngộ nhận

Khoa học cũng như Einstein, ai cũng biết, ai cũng ngưỡng mộ nhưng làm gì thì ít ai hiểu!
Nhiều web chống tiến hóa hiện nay tuyên bố với đồng bào là có hai loại khoa học, khoa học xài được và khoa học lịch sử. Họ cho rằng cái gì mắt thấy, tai nghe, máy đo được liền mới là khoa học, khoa học thực nghiệm mới có đóng góp thực tế cho đời sống con người, còn những thứ thuộc về quá khứ, do không ai thấy được nên ko thể kiểm chứng, ko thể kiểm chứng thì cách lý giải nào cũng có lý như nhau.
Để bác bỏ luận điệu nghe cũng có lí này, EvoLit mạn phép giải thích chút ít về khoa học, nhà khoa học và cách làm việc của họ.
Hỏi khởi động:
  1. Hình ảnh đầu tiên khi bạn nghĩ đến một nhà khoa học là gì?
  2. Bạn hiểu làm khoa học là làm gì?
  3. Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đau đầu tìm kiếm thuốc trị HIV/AIDS”. Bạn có thấy vấn đề gì với câu này không?
Sau khi các bạn đã trả lời nhẩm trong đầu xong 3 câu trên, mời các bạn xem chân dung một nhà khoa học thực nghiệm, Konrad Lorenz, đang tiến hành thí nghiệm, không phải đi bơi và bị vịt mai phục.


Có lẽ các bạn sẽ nhận ra ông dễ hơn qua hình sau:
Ông chính là nhà tâm lý học hành vi đã nghiên cứu hiện tượng in vết (ví dụ như bầy ngỗng đi theo người đầu tiên nhìn thấy khi nở ra), tiên phong cho công cuộc tìm hiểu về  tập tính.


Còn đây là hình ảnh các nhà khoa học lịch sử, cụ thể là cổ sinh vật học từ Mexico, trên thực địa xử lí xương hông và xương đuôi một con khủng long mỏ vịt.


Nói đến đây là để đồng bào có thể gỡ cài đặt hình ảnh nhà khoa học cặm cụi lắc lắc trộn trộn, lẩm bẩm một mình trong một phòng thí nghiệm bí mật trong tầng hầm, chiếu sáng xanh ma quái lờ nhờ với thứ chất lỏng đủ màu sôi sùng sục được lão dẫn qua những bình tròn, rồi đổ qua bình tam giác, rồi chảy qua cốc cổ dài, rồi ngưng tụ trong ống cong, dẫn ống thẳng rồi cô đặc nhỏ giọt trong bình phình bụng ra một ống týp bé xíu, cười man dại, rồi lão... đổ bỏ.
Với hóa chất/phản ứng bốc hơi/khói vậy phải làm việc trong tủ hút khí độc (fume hood) nhé ông già.


I. Giải đáp 1 & 2: Khoa học là gì và không phải là gì?


1. Nhà khoa học - dù mặc áo bờ-lu (phải gài nút!), mang găng, đeo khẩu trang tỉ mỉ tách phôi châu chấu (vâng, thật sự có người làm chuyện đó) trong phòng vô trùng hay quần sọt áo cộc mũ cối, mồ hôi hòa lẫn thuốc chống côn trùng nhễ nhại lấy mẫu phân khỉ trong rừng châu Phi (vâng, thật sự có người làm chuyện đó) -  đơn giản là người làm khoa học.
2. Nhưng khoa học lại rất rộng và phức tạp, bao hàm rất nhiều lĩnh vực và phương pháp, thật sự khó giới hạn bằng từ ngữ. Vì thế, ta sẽ nhắm tới việc bao hàm những điểm tương đồng bao quát hết sức có thể của các ngành được công nhận hiện nay. Theo định nghĩa của trang web Hội Đồng Khoa học của Anh Quốc, đã được khen ngợi bởi các chuyên gia đăng trên tờ Guardian, khoa học là:
... sự tìm kiếm và ứng dụng kiến thức và hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội theo một phương pháp luận có thệ thống dựa trên bằng chứng. ("Science is the pursuit and application of knowledge and understanding of the natural and social world following a systematic methodology based on evidence.")

Cũng theo Hội đồng Khoa học, phương pháp khoa học bao hàm:
  1. Quan sát khách quan: Số đo và dữ liệu (Có thể nhưng không nhất thiết phải dùng công cụ là toán học)
  2. Bằng chứng
  3. Sử dụng thí nghiệm và/hoặc quan sát làm chuẩn mực kiểm chứng giả thiết
  4. Quy nạp: dùng lý luận để rút ra các quy luật (general rules) hay kết luận chung từ dữ kiện hoặc trường hợp ví dụ.
  5. Lặp lại
  6. Phân tích phản biện
  7. Xác minh và thử thách: soi xét, bình duyệt [quá trình tàn khốc trong đó một nhóm chuyên gia khát máu trong ngành mổ xẻ không thuốc tê một công trình - định nghĩa của EvoLit] và đánh giá nhằm phản biện. (Science Council 2009)


Ta thấy, hệ thống khoa học có nhiều cách tiếp cận sự thật khác nhau, nhưng tựu chung lại ở chỗ tìm dữ kiện thách thức chúng. Dĩ nhiên nhà khoa học là con người, thì sẽ có sự cảm tính và sai lầm; cũng như có thể lấy cảm hứng từ những nguồn chủ quan như niềm tin, ước mơ cá nhân, trí tưởng tượng, giấc mộng v.v. Nhưng sự khác biệt (chưa khẳng định là ưu việt, khác biệt thôi) của khoa học so với các phương pháp tìm hiểu thế giới khác là các nhà nghiên cứu phải luôn tự kiểm chứng là dữ liệu của họ không chỉ tự họ thấy đúng, vì đằng nào thì đồng nghiệp cũng sẽ tìm cách chứng minh phát hiện của họ sai. Nói cách khác, khoa học là “...một cách điều tra được thiết kế để ép bạn trung thực khách quan khi bạn tìm hiểu thế giới một cách khái quát”.


Cùng xem xét cụ thể một phương pháp trong khoa học, cũng là phương pháp nổi bật nhất, xuất hiện trong mọi cuốn sách vỡ lòng: Diễn dịch giả thuyết, được gọi rất oách là “The Scientific Method”. Phương pháp này được minh họa từng bước bằng hình ảnh rất dễ hiểu sau:
Định nghĩa bình dân của giả thuyết là “câu trả lời sơ bộ, cần chứng minh, vào câu hỏi nghiên cứu của đề tài”(Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, 2008). Qua hình và định nghĩa, ta thấy có hai đặc điểm tiên quyết của một giả thuyết mang tính khoa học:
1. Phải khớp với dữ kiện/bằng chứng,
2. Phải kiểm chứng và/hoặc bác bỏ được.
Khớp với thực tế thôi chưa đủ, vì có vô số ý tưởng bay bổng có thể phù hợp với các quan sát của chúng ta (Theobald 2012). Ví dụ, loạt phim Ma Trận, cốt truyện: “Ma trận là một thế giới giả lập mà người máy tạo ra [để nuôi sống và thu hoạch năng lượng sinh học từ con người]. Chúng đưa vào cơ thể các hài nhi sơ sinh một chương trình điện não tiên tiến có khả năng tạo ra thực tế ảo [y như thật đến từng chi tiết]. Vì thế, khi lớn lên, những đứa trẻ vẫn sống trong phòng thí nghiệm (trong một ống hình trụ đầy chất lỏng với vô số sợi dây gắn trên người) nhưng lại tưởng rằng họ đang sống trong thế giới bình thường.”, nó có khớp với thực tế không? Có, vì người máy đã thiết kế thực tế ảo, giả lập tất cả những thứ xung quanh. Nhưng có cách nào chứng minh ý tưởng này là sai không? Nếu chúng ta thực sự được nuôi từ khi sinh ra trong thực tế ảo, chúng ta chưa từng biết và không thể nào biết đâu là sự thực.


Những bộ phim ăn khách về hiện tượng siêu nhiên như Ám Ảnh Kinh Hoàng 2, có thể gây ấn tượng rằng các nhà khoa học rất bảo thủ, rất hách dịch, cứ thấy có gì có hơi hướm siêu nhiên là gạt qua một bên, đả đảo ngay không cần xem xét; dĩ nhiên có, nhưng là cá nhân các nhà khoa học thôi. Còn khoa học thì  khi gặp một khẳng định không đi kèm chứng cứ, sẽ nói nó “cực kì khó có thể là sự thật” (extremely unlikely). Chú ý, một sự vật hiện tượng không được khoa học công nhận không có nghĩa là nó sai và ngược lại, điều đó chỉ có nghĩa là chưa có đủ chứng cứ khách quan; bạn hoàn toàn không cần phải chứng minh những niềm tin và trải nghiệm cá nhân của mình. Sự tồn tại của những sinh vật huyền thoại như ngựa một sừng (kỳ lân), sư tử đầu chim trên Trái Đất, hay viễn tưởng như người xanh trên Sao Hỏa, hải mã cao cấp siêu thông minh trên Sao Kim hay đâu đó trong vũ trụ bao la, các hiện tượng ngoại cảm, tâm linh…  là không thể hoặc chưa từng vượt qua kiểm chứng độc lập, nên dù chúng có thể giải thích nhiều hiện tượng/ghi chép ta có và vì thế là có thể đúng, nhưng không thể gọi là khoa học.
Khoa học và kỹ thuật nhìn sơ giống nhau và có nhiều điểm chung, nhưng nếu chủ yếu bạn chỉ quan tâm đến thiết kế, chế tạo và sử dụng máy móc, quá trình và cấu trúc để giải quyết vấn đề thay vì theo đuổi phát kiến mới về tự nhiên, bạn là kỹ sư (Runn 2015)

Xem thêm: Bài viết chi tiết, tiếng Việt về phương pháp nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM.


II. Giải đáp câu hỏi khởi động số 3.


Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đau đầu tìm kiếm thuốc trị HIV/AIDS

Vấn đề ở chỗ, dù cho có thể có một số ngành ngoài ngành y mà HIV/AIDS có thể dính líu đến (như xã hội học), và rất nhiều nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này trên phương diện cá nhân, không bao giờ có chuyện đa số các nhà khoa học cùng theo đuổi một vấn đề, dù nó cấp thiết cho nhân loại đến đâu. Không phải vì họ không quan tâm, mà là họ không có chuyên môn. Ngoài chương trình đào tạo chung gồm các môn đại cương lớn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Phương pháp Khoa học, An toàn phòng thí nghiệm, Xác suất Thống kê v.v thì mỗi ngành đều có lượng kiến thức và kỹ năng chuyên môn vô cùng lớn mà khi học xong đại học, sinh viên chỉ được trang bị gãi ngứa. Ngành nào cũng cần rất nhiều năm để cày gần hết kiến thức hiện có để học đến Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ (bạn không thể học trình độ này, bạn phải viết một dấu phẩy mới trong kho tàng kiến thức nhân loại rồi mới được phong Tiến sĩ).


Bao năm dùi mài kinh sử và phát kiến này làm nhà khoa học trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực rất hẹp của mình, nhưng không hề biết thêm gì về những ngành không liên quan trực tiếp. Dù các nhà vật lý tên tuổi có trông như họ biết tất cả, không con người nào có thể một mình đi hết vòng tròn. Einstein chắc chắn không thể cấy vi khuẩn gọn, đẹp bằng cô kỹ thuật viên trong trường tui; đó không phải điểm trừ cho Einstein, đơn giản đó không phải kỹ năng ông được đào tạo.
Trên thực tế, cùng là Y học Động vật, một bác sĩ thú y sẽ không dám lạm bàn chuyện cá chết hàng loạt với dân ngư y; cùng là Hóa học, bậc thầy về Hóa Vô cơ cũng phải tìm đọc mớ tài liệu để tránh mất mặt khi đàm đạo đồng nghiệp chuyên Protein. Không phải mặc dù họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ nhưng họ kém những lĩnh vực khác, mà chính vì họ đã phải dành quá nhiều thời gian cho ngành họ cho nên họ không có khả năng lấn sân chỗ khác nếu không có thật nhiều bằng chứng. Nếu có một 10.000 các nhà nông học, hóa học, khoa học máy tính, toán học, nhà kinh tế, khoa học chính trị v.v. cùng ký tên chống lại thuyết Sắc Động học Lượng tử bên Vật lý, quần chúng sẽ phản ứng ngay: “Ngoài ngành thì biết gì mà ký! Họ có giỏi thì đưa bằng chứng phản biện đi.”, nhưng lạ thay, với riêng thuyết Tiến hóa, tự nhiên phe chống tiến hóa lại làm như ý kiến người đi đường nào cũng quan trọng! May thay, thực tế không thể chối cãi là thuyết tiến hóa có sự ủng hộ về học thuậtluật pháp vô cùng vững chắc.

Thế nói nãy giờ cái gì là khoa học, phi khoa học, chưa thấy tại sao khoa học lịch sử lại bị người chống tiến hóa tố là thấp kém so với khoa học "xài được" nữa >”<! Cũng ham nói lắm, nhưng nhồi hết một bài thì bứt nút mất, chờ đón xem phần 2 nghen :D


Trích dẫn và tham khảo:
Science Council. (2009). Our definition of science. Retrieved June 12, 2016, from http://sciencecouncil.org/about-us/our-definition-of-science/
Theobald, D. L. (2012). 29+ Evidences for Macroevolution: The Scientific Case for Common Descent. The TalkOrigins Archive.

Runn, C. (2015). Scientist vs. Engineer: What’s the difference? Retrieved June 13, 2016, from http://www.stemjobs.com/whats-the-difference-between-a-scientist-engineer/

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Copyright 2012 - Evolit. Được tạo bởi Blogger.

Ảnh đại diện

Ảnh đại diện
Một ý tưởng thay đổi thế giới

Text Widget

EVOLIT LÀ THƯ VIỆN CÁC TÀI LIỆU VỀ TIẾN HÓA VÀ SINH HỌC

Hãy tìm đến:
Evolit.tk
Tienhoa.tk

Bất cứ khi nào bạn không truy cập được vào EvoLit, hãy nhớ www.sinhtienhoa.blogspot.com

Evolit ở chỗ khác

follow me on youtube

About Me

Căn bản

Bấm CC, chọn Vietnamese để xem phụ đề TIẾN HÓA LÀ GÌ?
BẰNG CHỨNG TIẾN HÓA
“Không gì trong sinh học có ý nghĩa trừ khi có ánh sáng của tiến hóa” - Theodosius Dobzhansky
“Không gì trong sinh học có ý nghĩa trừ khi có ánh sáng của tiến hóa” - Theodosius Dobzhansky

THÔNG BÁO DỜI NHÀ

Để tăng cường an ninh và tạo môi trường sạch đẹp hơn, EvoLit đã chuyển sang www.sinhtienhoa.wordpress.com , mời đồng bào sang ủng hộ. Blo...

Blog sạch

MyFreeCopyright.com Registered & Protected