10 tháng 7, 2016

Khoa Học Và Nỗi Oan của Khoa Học Lịch Sử, Phần 1. Khoa học và những ngộ nhận

Khoa học cũng như Einstein, ai cũng biết, ai cũng ngưỡng mộ nhưng làm gì thì ít ai hiểu!
Nhiều web chống tiến hóa hiện nay tuyên bố với đồng bào là có hai loại khoa học, khoa học xài được và khoa học lịch sử. Họ cho rằng cái gì mắt thấy, tai nghe, máy đo được liền mới là khoa học, khoa học thực nghiệm mới có đóng góp thực tế cho đời sống con người, còn những thứ thuộc về quá khứ, do không ai thấy được nên ko thể kiểm chứng, ko thể kiểm chứng thì cách lý giải nào cũng có lý như nhau.
Để bác bỏ luận điệu nghe cũng có lí này, EvoLit mạn phép giải thích chút ít về khoa học, nhà khoa học và cách làm việc của họ.
Hỏi khởi động:
  1. Hình ảnh đầu tiên khi bạn nghĩ đến một nhà khoa học là gì?
  2. Bạn hiểu làm khoa học là làm gì?
  3. Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đau đầu tìm kiếm thuốc trị HIV/AIDS”. Bạn có thấy vấn đề gì với câu này không?
Sau khi các bạn đã trả lời nhẩm trong đầu xong 3 câu trên, mời các bạn xem chân dung một nhà khoa học thực nghiệm, Konrad Lorenz, đang tiến hành thí nghiệm, không phải đi bơi và bị vịt mai phục.


Có lẽ các bạn sẽ nhận ra ông dễ hơn qua hình sau:
Ông chính là nhà tâm lý học hành vi đã nghiên cứu hiện tượng in vết (ví dụ như bầy ngỗng đi theo người đầu tiên nhìn thấy khi nở ra), tiên phong cho công cuộc tìm hiểu về  tập tính.


Còn đây là hình ảnh các nhà khoa học lịch sử, cụ thể là cổ sinh vật học từ Mexico, trên thực địa xử lí xương hông và xương đuôi một con khủng long mỏ vịt.


Nói đến đây là để đồng bào có thể gỡ cài đặt hình ảnh nhà khoa học cặm cụi lắc lắc trộn trộn, lẩm bẩm một mình trong một phòng thí nghiệm bí mật trong tầng hầm, chiếu sáng xanh ma quái lờ nhờ với thứ chất lỏng đủ màu sôi sùng sục được lão dẫn qua những bình tròn, rồi đổ qua bình tam giác, rồi chảy qua cốc cổ dài, rồi ngưng tụ trong ống cong, dẫn ống thẳng rồi cô đặc nhỏ giọt trong bình phình bụng ra một ống týp bé xíu, cười man dại, rồi lão... đổ bỏ.
Với hóa chất/phản ứng bốc hơi/khói vậy phải làm việc trong tủ hút khí độc (fume hood) nhé ông già.


I. Giải đáp 1 & 2: Khoa học là gì và không phải là gì?


1. Nhà khoa học - dù mặc áo bờ-lu (phải gài nút!), mang găng, đeo khẩu trang tỉ mỉ tách phôi châu chấu (vâng, thật sự có người làm chuyện đó) trong phòng vô trùng hay quần sọt áo cộc mũ cối, mồ hôi hòa lẫn thuốc chống côn trùng nhễ nhại lấy mẫu phân khỉ trong rừng châu Phi (vâng, thật sự có người làm chuyện đó) -  đơn giản là người làm khoa học.
2. Nhưng khoa học lại rất rộng và phức tạp, bao hàm rất nhiều lĩnh vực và phương pháp, thật sự khó giới hạn bằng từ ngữ. Vì thế, ta sẽ nhắm tới việc bao hàm những điểm tương đồng bao quát hết sức có thể của các ngành được công nhận hiện nay. Theo định nghĩa của trang web Hội Đồng Khoa học của Anh Quốc, đã được khen ngợi bởi các chuyên gia đăng trên tờ Guardian, khoa học là:
... sự tìm kiếm và ứng dụng kiến thức và hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội theo một phương pháp luận có thệ thống dựa trên bằng chứng. ("Science is the pursuit and application of knowledge and understanding of the natural and social world following a systematic methodology based on evidence.")

Cũng theo Hội đồng Khoa học, phương pháp khoa học bao hàm:
  1. Quan sát khách quan: Số đo và dữ liệu (Có thể nhưng không nhất thiết phải dùng công cụ là toán học)
  2. Bằng chứng
  3. Sử dụng thí nghiệm và/hoặc quan sát làm chuẩn mực kiểm chứng giả thiết
  4. Quy nạp: dùng lý luận để rút ra các quy luật (general rules) hay kết luận chung từ dữ kiện hoặc trường hợp ví dụ.
  5. Lặp lại
  6. Phân tích phản biện
  7. Xác minh và thử thách: soi xét, bình duyệt [quá trình tàn khốc trong đó một nhóm chuyên gia khát máu trong ngành mổ xẻ không thuốc tê một công trình - định nghĩa của EvoLit] và đánh giá nhằm phản biện. (Science Council 2009)


Ta thấy, hệ thống khoa học có nhiều cách tiếp cận sự thật khác nhau, nhưng tựu chung lại ở chỗ tìm dữ kiện thách thức chúng. Dĩ nhiên nhà khoa học là con người, thì sẽ có sự cảm tính và sai lầm; cũng như có thể lấy cảm hứng từ những nguồn chủ quan như niềm tin, ước mơ cá nhân, trí tưởng tượng, giấc mộng v.v. Nhưng sự khác biệt (chưa khẳng định là ưu việt, khác biệt thôi) của khoa học so với các phương pháp tìm hiểu thế giới khác là các nhà nghiên cứu phải luôn tự kiểm chứng là dữ liệu của họ không chỉ tự họ thấy đúng, vì đằng nào thì đồng nghiệp cũng sẽ tìm cách chứng minh phát hiện của họ sai. Nói cách khác, khoa học là “...một cách điều tra được thiết kế để ép bạn trung thực khách quan khi bạn tìm hiểu thế giới một cách khái quát”.


Cùng xem xét cụ thể một phương pháp trong khoa học, cũng là phương pháp nổi bật nhất, xuất hiện trong mọi cuốn sách vỡ lòng: Diễn dịch giả thuyết, được gọi rất oách là “The Scientific Method”. Phương pháp này được minh họa từng bước bằng hình ảnh rất dễ hiểu sau:
Định nghĩa bình dân của giả thuyết là “câu trả lời sơ bộ, cần chứng minh, vào câu hỏi nghiên cứu của đề tài”(Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, 2008). Qua hình và định nghĩa, ta thấy có hai đặc điểm tiên quyết của một giả thuyết mang tính khoa học:
1. Phải khớp với dữ kiện/bằng chứng,
2. Phải kiểm chứng và/hoặc bác bỏ được.
Khớp với thực tế thôi chưa đủ, vì có vô số ý tưởng bay bổng có thể phù hợp với các quan sát của chúng ta (Theobald 2012). Ví dụ, loạt phim Ma Trận, cốt truyện: “Ma trận là một thế giới giả lập mà người máy tạo ra [để nuôi sống và thu hoạch năng lượng sinh học từ con người]. Chúng đưa vào cơ thể các hài nhi sơ sinh một chương trình điện não tiên tiến có khả năng tạo ra thực tế ảo [y như thật đến từng chi tiết]. Vì thế, khi lớn lên, những đứa trẻ vẫn sống trong phòng thí nghiệm (trong một ống hình trụ đầy chất lỏng với vô số sợi dây gắn trên người) nhưng lại tưởng rằng họ đang sống trong thế giới bình thường.”, nó có khớp với thực tế không? Có, vì người máy đã thiết kế thực tế ảo, giả lập tất cả những thứ xung quanh. Nhưng có cách nào chứng minh ý tưởng này là sai không? Nếu chúng ta thực sự được nuôi từ khi sinh ra trong thực tế ảo, chúng ta chưa từng biết và không thể nào biết đâu là sự thực.


Những bộ phim ăn khách về hiện tượng siêu nhiên như Ám Ảnh Kinh Hoàng 2, có thể gây ấn tượng rằng các nhà khoa học rất bảo thủ, rất hách dịch, cứ thấy có gì có hơi hướm siêu nhiên là gạt qua một bên, đả đảo ngay không cần xem xét; dĩ nhiên có, nhưng là cá nhân các nhà khoa học thôi. Còn khoa học thì  khi gặp một khẳng định không đi kèm chứng cứ, sẽ nói nó “cực kì khó có thể là sự thật” (extremely unlikely). Chú ý, một sự vật hiện tượng không được khoa học công nhận không có nghĩa là nó sai và ngược lại, điều đó chỉ có nghĩa là chưa có đủ chứng cứ khách quan; bạn hoàn toàn không cần phải chứng minh những niềm tin và trải nghiệm cá nhân của mình. Sự tồn tại của những sinh vật huyền thoại như ngựa một sừng (kỳ lân), sư tử đầu chim trên Trái Đất, hay viễn tưởng như người xanh trên Sao Hỏa, hải mã cao cấp siêu thông minh trên Sao Kim hay đâu đó trong vũ trụ bao la, các hiện tượng ngoại cảm, tâm linh…  là không thể hoặc chưa từng vượt qua kiểm chứng độc lập, nên dù chúng có thể giải thích nhiều hiện tượng/ghi chép ta có và vì thế là có thể đúng, nhưng không thể gọi là khoa học.
Khoa học và kỹ thuật nhìn sơ giống nhau và có nhiều điểm chung, nhưng nếu chủ yếu bạn chỉ quan tâm đến thiết kế, chế tạo và sử dụng máy móc, quá trình và cấu trúc để giải quyết vấn đề thay vì theo đuổi phát kiến mới về tự nhiên, bạn là kỹ sư (Runn 2015)

Xem thêm: Bài viết chi tiết, tiếng Việt về phương pháp nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM.


II. Giải đáp câu hỏi khởi động số 3.


Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đau đầu tìm kiếm thuốc trị HIV/AIDS

Vấn đề ở chỗ, dù cho có thể có một số ngành ngoài ngành y mà HIV/AIDS có thể dính líu đến (như xã hội học), và rất nhiều nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này trên phương diện cá nhân, không bao giờ có chuyện đa số các nhà khoa học cùng theo đuổi một vấn đề, dù nó cấp thiết cho nhân loại đến đâu. Không phải vì họ không quan tâm, mà là họ không có chuyên môn. Ngoài chương trình đào tạo chung gồm các môn đại cương lớn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Phương pháp Khoa học, An toàn phòng thí nghiệm, Xác suất Thống kê v.v thì mỗi ngành đều có lượng kiến thức và kỹ năng chuyên môn vô cùng lớn mà khi học xong đại học, sinh viên chỉ được trang bị gãi ngứa. Ngành nào cũng cần rất nhiều năm để cày gần hết kiến thức hiện có để học đến Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ (bạn không thể học trình độ này, bạn phải viết một dấu phẩy mới trong kho tàng kiến thức nhân loại rồi mới được phong Tiến sĩ).


Bao năm dùi mài kinh sử và phát kiến này làm nhà khoa học trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực rất hẹp của mình, nhưng không hề biết thêm gì về những ngành không liên quan trực tiếp. Dù các nhà vật lý tên tuổi có trông như họ biết tất cả, không con người nào có thể một mình đi hết vòng tròn. Einstein chắc chắn không thể cấy vi khuẩn gọn, đẹp bằng cô kỹ thuật viên trong trường tui; đó không phải điểm trừ cho Einstein, đơn giản đó không phải kỹ năng ông được đào tạo.
Trên thực tế, cùng là Y học Động vật, một bác sĩ thú y sẽ không dám lạm bàn chuyện cá chết hàng loạt với dân ngư y; cùng là Hóa học, bậc thầy về Hóa Vô cơ cũng phải tìm đọc mớ tài liệu để tránh mất mặt khi đàm đạo đồng nghiệp chuyên Protein. Không phải mặc dù họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ nhưng họ kém những lĩnh vực khác, mà chính vì họ đã phải dành quá nhiều thời gian cho ngành họ cho nên họ không có khả năng lấn sân chỗ khác nếu không có thật nhiều bằng chứng. Nếu có một 10.000 các nhà nông học, hóa học, khoa học máy tính, toán học, nhà kinh tế, khoa học chính trị v.v. cùng ký tên chống lại thuyết Sắc Động học Lượng tử bên Vật lý, quần chúng sẽ phản ứng ngay: “Ngoài ngành thì biết gì mà ký! Họ có giỏi thì đưa bằng chứng phản biện đi.”, nhưng lạ thay, với riêng thuyết Tiến hóa, tự nhiên phe chống tiến hóa lại làm như ý kiến người đi đường nào cũng quan trọng! May thay, thực tế không thể chối cãi là thuyết tiến hóa có sự ủng hộ về học thuậtluật pháp vô cùng vững chắc.

Thế nói nãy giờ cái gì là khoa học, phi khoa học, chưa thấy tại sao khoa học lịch sử lại bị người chống tiến hóa tố là thấp kém so với khoa học "xài được" nữa >”<! Cũng ham nói lắm, nhưng nhồi hết một bài thì bứt nút mất, chờ đón xem phần 2 nghen :D


Trích dẫn và tham khảo:
Science Council. (2009). Our definition of science. Retrieved June 12, 2016, from http://sciencecouncil.org/about-us/our-definition-of-science/
Theobald, D. L. (2012). 29+ Evidences for Macroevolution: The Scientific Case for Common Descent. The TalkOrigins Archive.

Runn, C. (2015). Scientist vs. Engineer: What’s the difference? Retrieved June 13, 2016, from http://www.stemjobs.com/whats-the-difference-between-a-scientist-engineer/

6 nhận xét:

  1. Mình không thể hiểu nổi niềm đam mê hay động lực nào mà có thể khiến mấy ông này hy sinh tất cả để đi nghiên cứu Khoa Học, nhất là ông này:

    http://read.bi/29HTKts

    Có phải chăng là cảm giác thăng hoa hehe, khi mà máy ổng phát hiện hay khám phá ra cái gì đó mà tất cả con người chưa ai biết đến???

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Quy định về bình luận cho môi trường thảo luận xanh, sạch, đẹp từ ngày 14/06/2016
*Vui lòng cư xử trí thức, lịch sự
*Đây là trang web khoa học, vui lòng không bàn tôn giáo. Sau một lần nhắc nhở sẽ bị xóa
*Đây là trang web học thuật, tranh luận phải có cơ sở. Những phát ngôn không có căn cứ gây mất thời gian của tất cả mọi người, vì thế nếu sau khi nhắc nhở mà vẫn tái phạm, sẽ bị xóa hết bình luận

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Copyright 2012 - Evolit. Được tạo bởi Blogger.

Ảnh đại diện

Ảnh đại diện
Một ý tưởng thay đổi thế giới

Text Widget

EVOLIT LÀ THƯ VIỆN CÁC TÀI LIỆU VỀ TIẾN HÓA VÀ SINH HỌC

Hãy tìm đến:
Evolit.tk
Tienhoa.tk

Bất cứ khi nào bạn không truy cập được vào EvoLit, hãy nhớ www.sinhtienhoa.blogspot.com

Evolit ở chỗ khác

follow me on youtube

About Me

Căn bản

Bấm CC, chọn Vietnamese để xem phụ đề TIẾN HÓA LÀ GÌ?
BẰNG CHỨNG TIẾN HÓA
“Không gì trong sinh học có ý nghĩa trừ khi có ánh sáng của tiến hóa” - Theodosius Dobzhansky
“Không gì trong sinh học có ý nghĩa trừ khi có ánh sáng của tiến hóa” - Theodosius Dobzhansky

THÔNG BÁO DỜI NHÀ

Để tăng cường an ninh và tạo môi trường sạch đẹp hơn, EvoLit đã chuyển sang www.sinhtienhoa.wordpress.com , mời đồng bào sang ủng hộ. Blo...

Blog sạch

MyFreeCopyright.com Registered & Protected