EvoLit đã trở lại để lại cà khịa về những
“lỗ hổng” trong thuyết tiến hóa.
Trên mạng có nhiều bài viết (1 chùm bài
như ở đây ) về
những sinh vật gần như chẳng thay đổi chút nào so với hóa thạch của chúng hàng
(trăm) triệu năm trước và phán rằng điều đó “chứng tỏ rất nhiều loài
động vật thực ra đều là hóa thạch sống, không hề tiến hóa gì cả sau hàng nhiều
triệu năm.”
Cũng lại là một sự ngộ nhận nữa được đẻ ra
bởi cặp đôi hoàn hảo: thói quen đơn giản hóa (trong đó có sở thích sử
dụng các từ/cụm từ rất “bắt tai”) dẫu thiếu chính xác của các nhà khoa học +
giới truyền thông & sự ma mãnh của những người chống
tiến hóa.
Trước hết, hóa thạch là gì?
Hóa thạch là những di tích hoặc dấu vết
của động thực vật sống trong quá khứ được giữ gìn tự nhiên. Có 2 loại hóa thạch
chính; xác và dấu vết. Hóa thạch xác bao gồm những phần thân thể còn sót lại
của các sinh vật đã từng sống và hóa thạch dấu vết là những dấu hiệu cho thấy
sinh vật đã từng tồn tại (dấu chân, đường, vết và hang hốc).
Có 2 cơ chế bảo quản hóa thạch xác: bảo
quản có thay thế và không thay thế. Không thay thế: Hóa thạch chính là
thân xác "chính chủ" của sinh vật, ví dụ: đông lạnh, ướp xác, hổ phách, hố hắc ín và vỏ không thay thế (vỏ
"zin"). Thay thế: Hóa thạch ta thấy chỉ là bản sao được tạo thành từ
chất khác, ví dụ các quá trình thay thế: permineralization (tạm dịch: thấm khoáng
chất) là kết quả của quá trình kết tủa hóa học vào trong khoang lỗ; là sự
thế chỗ của các chất trong cơ thể sinh vật bởi những khoáng chất được các dung
dịch thấm đưa vào. Hiện tượng cacbon hóa xảy ra khi các mô mềm
được bảo quản dưới dạng các màng cacbon.
Các bản đúc và khuôn là một loại hóa thạch
khác trong đó các đặc điểm ngoại hình của các sinh vật được in lên trên lớp
trầm tích trước khi đá hình thành. Quá trình bào mòn loại bỏ dần thân xác thật
sự tạo ra một khoảng trống trong đá mang hình dáng của ban đầu của sinh vật. Khoáng
chất xâm nhập vào lấp đầy khoảng trống đó tạo ra bản sao của sinh vật.
=>Xem thêm hình hóa thạch xác, bản đúc và khuôn
“Thô dịch:
1. Bị vùi lấp nhanh chóng trong trầm tích ẩm, tránh bị vi khuẩn hoặc các loài khác phá hủy.
2. Bị vùi lấp nhanh chóng trong tro, bụi núi lửa. Hầu như các hóa thạch xương khung long ở Hoa Kỳ đều bị vùi trong cái này.
3. Sự hiện diện của các phần cứng của xác chết: răng, xương, vỏ, hay gỗ...
4. Không thay đổi nhiệt độ.
5. Nước ngầm có mức độ khoáng cao.
6. Trầm tích càng mịn thì càng dễ tạo hóa thạch.
7. Yên tĩnh, môi trường không bị biến đổi khiến cho hóa thạch bị vỡ.”
1. Bị vùi lấp nhanh chóng trong trầm tích ẩm, tránh bị vi khuẩn hoặc các loài khác phá hủy.
2. Bị vùi lấp nhanh chóng trong tro, bụi núi lửa. Hầu như các hóa thạch xương khung long ở Hoa Kỳ đều bị vùi trong cái này.
3. Sự hiện diện của các phần cứng của xác chết: răng, xương, vỏ, hay gỗ...
4. Không thay đổi nhiệt độ.
5. Nước ngầm có mức độ khoáng cao.
6. Trầm tích càng mịn thì càng dễ tạo hóa thạch.
7. Yên tĩnh, môi trường không bị biến đổi khiến cho hóa thạch bị vỡ.”
Bao nhiêu đó điều kiện cùng một lúc nên
không phải nơi nào cũng hội đủ, sinh vật nào cũng có thể hóa thạch. 99% các loài từng tồn tại trên trái đất đã tuyệt chủng,
nhưng mà với những điều kiện nêu trên thì ước tính >99.9% các cá thể
sinh vật (vi sinh vật mới là những sinh vật có số lượng đông nhất) sẽ không để
lại được hóa thạch đến ngày nay và >99.99% các hóa thạch được hình thành
sẽ không bao giờ đến tay con người do bị chôn quá sâu hoặc ở những nơi quá hiểm
trở. Vì thế, yêu cầu một bộ hóa thạch đầy đủ của tất cả các loài là vô lí.
Mấy hình mờ mờ ảo ảo trên đá nhìn giống
mấy con đang sống thì chứng tỏ tiến hóa không xảy ra?!
Chỉ dùng hóa thạch để xác định tiến hóa có
xảy ra không thì thật là sai lầm. Tiến hóa không phải chỉ là những cái bề
ngoài, mà thậm chí về bề ngoài thì chỉ những thứ như khung xương, chi, da, lông
nếu may mắn có thể được giữ lại trên hóa thạch.
Cá bơn mùa đông http://www.cptdave.com/ |
Còn tiến hóa ở cấp độ phân tử? Ví dụ cá bơn mùa đông (dịch đại từ
chữ winter flounder) tiến hóa gen afa3 chống đông cứng (hiện
đã được ứng dụng tạo ra cà chua chuyển gen), giúp nó có thể sống ở vùng bờ biển
Bắc Đại Tây Dương lạnh giá, một đặc điểm thích nghi tối quan trọng như vậy lại
không thể nào thể hiện trên hóa thạch. Theo tạp chí Nature, “Hình thái không đổi không có
nghĩa là bộ gen không đổi - […] morphological stasis does not
necessarily imply genomic stasis”
Loài thằn lằn này đã tiến hóa cả 1 kiểu nội tạng mới chỉ trong 40 năm ngắn ngủi |
Còn tiến hóa ở cấp độ tế bào, mô, cơ quan? Ví dụ hệ miễn dịch, các loại hồng cầu, bạch cầu, lympho, các thụ thể trên bề mặt tế bào để chống lại sự xâm nhập của virus? Sự phát triển càng ngày càng đạt hiệu suất cao hơn hoặc thích nghi với chế độ ăn mới của nội tạng. Sự thay đổi của các mô mềm? Biến đổi hệ hô hấp thích nghi môi trường ít/nhiều oxi hơn? Tất cả đều là những biến đổi di truyền được làm tăng/giảm sức sống và sinh sản, đều là tiến hóa. Hay sự xuất hiện của một enzyme mới hoặc có một sự biến đổi về hệ sinh thái trong cơ thể cho phép một loài sinh vật khai thác một loại thức ăn mới tạo ra lợi thế sinh tồn đáng kể? Ví dụ cộng sinh giữa tổ tiên mối và trùng roi, biến đổi hoàn toàn chế độ ăn của loài tổ tiên mối từ phần mềm của cây sang gỗ, một thứ hiếm loài côn trùng nào khác cạnh tranh ăn được. Hóa thạch có lưu lại lũ trùng này và enzyme của chúng không? Không.
Còn tiến hóa về màu sắc, hoa văn trên cơ
thể? Gấu
Bắc Cực đã tiến hóa màu lông trắng, một đặc điểm thích nghi sống còn giúp nó
hòa vào muôn trùng băng xung quanh mà đến gần con mồi một cách êm ái, điều mà
một con gấu nâu không thể làm được; nhưng hóa thạch sẽ chỉ cho thấy những khác
biệt trong khung xương và tỉ lệ cơ thể.
Còn thay đổi tập tính? Chuyển từ hoạt động buổi sáng sang
chạng vạng, thị giác phát triển nhưng mắt là phần mềm ít khi lưu lại được?
Chuyển từ lấy mật ở nhiều loài hoa sang “chuyên canh” một loài? Đổi mùa di cư,
đổi thời gian ngủ đông, đổi vũ điệu tìm bạn tình? .... Những cái này có thể
không thực sự coi là tiến hóa, nhưng nó cũng là ví dụ của những thay đổi mà hóa
thạch không cho chúng ta thấy.
Hóa thạch hiếm khi nào hoàn chỉnh, có
những hóa thạch là độc nhất vô nhị, còn những thông tin mãi mãi mất đi trong
những mảnh thất lạc/thiếu vắng?
Món quà của ông bạn
quý, nó giống thế này (camera quá cùi phải mượn ảnh Internet để chuyển tải vẻ
đẹp của nó) Nguồn . Nếu bạn đang thắc mắc thì đây là
hóa thạch thay thế :).
|
Hóa thạch có những hạn chế như vậy tại sao
những người chống tiến hóa nói cứ như thể hóa thạch là bằng chứng tối thượng?
Có thể vì nó tạo ra hiệu ứng hình ảnh choáng ngợp, tức thời, vì nó nhìn được,
sờ được, đo được. Hóa thạch rất rất rất quan trọng trong tiến hóa và khoa học
nói chung, là cửa ngõ vật chất nhất để ta nhìn về sự sống trong quá khứ. Khoảnh
khắc mà người bạn ở đảo Tasmania, Úc, trao cho tôi những mảnh hóa thạch thực
vật hình rêu (tôi và ông bạn không phải chuyên gia nên chỉ biết thật đoán dựa
trên so sánh với các bức ảnh trên mạng) thật chấn động, và tôi mong ai trong
các bạn cũng có thể một lần được nếm trải cảm giác cầm trên tay dấu tích của
những sinh vật cao tuổi hơn tất cả những người tổ tiên của mình, kể cả những tổ
tiên trên cạn của mình; những manh mối cho ta một vài nét phác họa về hình dáng
và tập tính của sự sống cổ; vật chứng về một khoảng thời gian xa xưa không thể
tưởng tượng nổi, một trái đất không cần con người, một thế giới đã mất đã từng
thực như chính cuộc sống quanh ta hiện tại.
***
Dù sao đi nữa, hóa thạch chỉ là một phần
bằng chứng tiến hóa, không phải là duy nhất cũng không phải là quan trọng nhất. Tuy
nhiên, những gì chúng thể hiện ủng hộ mạnh mẽ cho thuyết tiến hóa. Nói như
những người chống tiến hóa, nếu “hóa thạch sống” không có gì thay đổi nghĩa là
không hề có tiến hóa, vậy nếu chứng minh được “hóa thạch sống” CÓ thay đổi thì
phải chấp nhận tiến hóa đã xảy ra!
Và những bằng chứng từ những hóa thạch sống này sẽ được trình bày ở Kì sau.