Chuyên mục

21 tháng 8, 2013

[Sưu tầm]Những Ngụy Biện Chống Phá Thuyết Tiến Hóa - Trần Tiên Long

           Bài viết của tác giả Trần Thiên Long đăng trên sachhiem, rất công phu, tuy nhiên đến ngày hôm nay tôi mới biết đến sự tồn tại của nó chứng tỏ nó chưa được phổ biến xứng đáng. Vì lý do trên tôi quyết định trích đăng lại bài viết này, lược bỏ & sửa chữa các phần đã được đề cập trên EvoLit (các bạn có thể xem lại ở nguồn) cũng như các nội dung có thể gây xao lãng và bị lợi dụng để đánh lạc hướng tranh luận. Những phần EvoLit viết bằng mực xám. EvoLit đã đạt tới gần 3000 lượt xem (dù mấy chục trong số đó là mình hồi đặt blog làm trang chủ :">), dù rất khiêm tốn thôi nhưng cũng chứng tỏ là có chút tiềm năng, hy vọng sẽ đưa bài viết này đến với nhiều người hơn.

 ***

       A. Có Phải Tiến Hóa Chỉ Đơn Giản Chỉ Là Một Lý Thuyết? 

Người chống tiến hóa đả kích tiến hóa chỉ là thuyết chưa phải định luật từ đó tuyên bố rằng tiến hóa không có tính xác thực cao hơn các thuyết như Sáng tạo (Vạn vật do Chúa Trời tạo ra) và cũng không thể xem là sự thật. Ngộ nhận này được giải thích như sau:

 [...] Mục đích của lý thuyết là để giải thích, trong khi mục đích của định luật là để miêu tả. Bởi vì mỗi thứ được dùng để làm những công việc khác nhau nên lý thuyết không bao giờ trở thành một định luật. Nó phải đứng trên và bao trùm các định luật. Lý thuyết và định luật là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Đòi hỏi lý thuyết phải làm công việc của định luật là một đòi hỏi vô trí, chỉ có mục đích tung hỏa mù, dèm pha khoa học. 
Một lý thuyết được gọi là khoa học thì phải có các chứng cớ được xác định bằng các cuộc thí nghiệm, có thể lập lại bởi bất cứ người nào khác, để chứng thực là một lý thuyết có giá trị. Yếu tố chính yếu làm nên sự khác biệt giữa giả thuyết và lý thuyết là sự việc có thể kiểm chứng. Ngoài yếu tố kiểm chứng này, nó còn phải đưa ra được những tiên đoán rõ ràng và mạo hiểm. Nó liên kết các sự kiện của một vấn đề để giải thích sao cho phù hợp với những quan sát, và cuối cùng có thể đưa ra những tiên đoán rõ ràng, riêng biệt, và táo bạo.
Cho dù nó có thể giải thích mọi trường hợp quan sát, nó vẫn chưa phải là một lý thuyết khoa học khi nó không thể tiên đoán được những gì không thể xảy ra, ít ra là trên nguyên tắc.[...]
Xem thêm: Tiến hóa & thuyết tiến hóa trên EvoLit.

EvoLit: Khoa học dù ở bất kỳ đâu cũng không phải một nền dân chủ mà tất cả các thuyết đều bình đẳng. Thuyết nào có nhiều bằng chứng ủng hộ, giải thích được nhiều sự kiện thì được chấp nhận rộng rãi, được dạy trong trường, được dùng làm nền tảng cho các thuyết khác. Không thể tùy tiện gắn chữ thuyết vào một khẳng định vu vơ nào đó rồi đòi 'công bằng vì đều là 'thuyết' cả'! Khẳng định vũ trụ, trái đất và vạn vật được tạo ra bởi một đấng siêu nhiên, có thể đúng có thể sai, nhưng chắc chắn không phải là một học thuyết khoa học, vì không có cách nào chứng minh nó sai cả: đã nói là 'siêu nhiên', 'thần thánh' thì làm sao người trần mắt thịt như chúng ta hiểu được? Các thế lực ấy không chịu những định luật của tự nhiên, mà thế thì kiểm chứng bằng cách nào đây? 

Làm sao chứng minh được tiến hóa sai?
_Loạn toàn bộ trật tự các hóa thạch, VD: tìm thấy nhiều thỏ ở thời Cambri, toàn bộ hóa thạch người Homo sapiens ở đại Cổ Sinh chẳng hạn. Chúng ta không thấy sự sắp xếp lộn xộn như thế, mà cũng không thấy chúng ở cùng một nơi như thể một thế lực nào đó đã tạo ra chúng cùng một lúc; chúng ta thấy một chuỗi từ sơ khai đến phức tạp dần, dù nhiều loài (VD như các loài ký sinh) có đi ngược lại xu thế và tiêu biến bớt các cơ quan, thì xu hướng chung không thể chối cãi là lịch sử cho thấy một tiến trình rõ rệt. Cần nhớ, trật tự hóa thạch đã được xác định bởi rất nhiều nhà khoa học trước Darwin & trước tiến hóa, nên không có gì mờ ám cả.

_Những đặc điểm thích nghi chỉ hoàn toàn có lợi cho loài thứ 2. Có rất nhiều ví dụ một loài hưởng lợi từ một đặc điểm tiến hóa của loài khác - hội sinh (cá bám vào rùa biển để "quá giang") và ký sinh (tầm gửi), nhưng theo thuyết tiến hóa chúng ta sẽ không thấy, và sự thật là chúng ta chưa thấy, một loài tiến hóa chỉ vì một loài khác.

_Và dù các bạn chống tiến hóa ở có hay đem ra cười cợt và đòi trưng ra làm "bằng chứng tiến hóa", việc tự nhiên một con chó đẻ ra một con mèo, một con vật đầu voi đuôi chuột, khỉ đẻ ra người hoàn chỉnh với đầy đủ bộ gen người đặc trưng hay một con khỉ biến dần thành người hay con này biến thành con kia trong vòng đời của nó sẽ chắc chắn làm lung lay thuyết tiến hóa.

C. Có Phải Tiến Hóa Nghịch Với Định Luật II Của Động Nhiệt Học?

            Có một lối ngụy biện khác mà các NCTH hay sử dụng để chống phá thuyết tiến hóa. Họ bảo rằng không thể có tiến hóa vì tiến hóa thì nghịch với định luật thứ II trong Động Nhiệt Học (Thermodynamics). Định luật này định rằng entropy càng ngày càng tăng dần trong một chu kỳ không thể quay ngược (irreversible cycle). Trong chu kỳ này, entropy là năng lượng dư thừa, vô dụng, thất thoát, làm nóng một hệ thống. Entropy có thể được giải thích nôm na là năng lượng làm mức đo cho tình trạng hỗn độn này. Bởi vậy, tiến hóa một mình tự nó không thể làm tăng thêm tính tinh vi và phức tạp của các sinh vật. Điều mà họ không muốn nói thẳng ra là phải cần có Thiên Chúa tác động vào mọi loài thì mới có thể làm chúng càng ngày càng thay đổi để được phức tạp và tinh vi hơn. Nếu không có bàn tay tác động của Thiên Chúa thì, cứ theo định luật thứ II của Động Nhiệt Học, thế giới càng ngày càng phải hỗn độn hơn vì năng lượng entropy cứ tăng dần theo thời gian.

              Những NCTH khi áp dụng lập luận này chỉ càng chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về Động Nhiệt Học. Mặc dù vậy, lập luận này lại rất thuyết phục đối với giới bình dân đại chúng không có kiến thức căn bản về khoa học.
Trước hết, nên hiểu rằng định luật thứ II không liên hệ gì tới mức độ phức tạp của một hệ thống hay của các loài sinh vật. Thứ đến, định luật này chỉ áp dụng cho một hệ thống khép kín (closed system). Nhưng trái đất này không phải là một hệ khép kín vì nó luôn luôn nhận năng lượng từ mặt trời. Áp dụng định luật thứ 2 của Động Nhiệt Học vào một hệ thống mở (open system) thì sẽ đưa đến kết quả hoàn toàn sai. [15]
Động Nhiệt Học là một bộ môn học năm thứ 3 của chương trình Kỷ Sư Cơ Khí (Mechanical Engineering) nên giới bình dân không có căn bản về khoa học không thể có thắc mắc về một vấn đề nằm ngoài khả năng của họ. Họ chỉ biết nghe và chấp nhận dễ dàng những lập luận sai lầm của những NCTH. Đó cũng là lý do dễ hiểu tại sao những người càng có nhiều kiến thức về khoa học thì họ càng chấp nhận thuyết tiến hóa dễ dàng hơn. Nghiên cứu thống kê năm 2009 của cơ quan PEW ghi nhận rằng có tới 97% các nhà khoa học chấp nhận con người và các loài có sự sống đều đã tiến hóa theo thời gian, trong khi chỉ có 32% đại chúng chấp nhận thuyết tiến hóa. [16]

D. Phải Chăng Có Những Thứ Phức Tạp Không Thể Đơn Giản Hơn (Irreducible Complexity)?

          Còn có một lối ngụy biện khác nữa cũng rất ăn khách vì được dựa vào khoa học, đó là lập luận cho rằng có những hệ thống thuộc sinh vật học phức tạp không thể đơn giản hơn, nghĩa là phải có nó như một toàn thể hệ thống chứ không thể có nó theo từng giai đoạn từ đơn giản tới phức tạp và tinhh vi hơn bằng tiến trình ngẫu biến và sự chọn lọc tự nhiên. Một hệ thống phức tạp không thể đơn giản hơn nữa vì nếu chỉ bớt đi một trong các phần tử cấu trúc của hệ thống thì sẽ đưa đến kết quả toàn thể hệ thống ngưng hoạt động. Có thể nói rằng đây là lập luận chính yếu của thiết kế thông minh và đã bị cộng đồng khoa học vất bỏ, [17] xem nó như là ngụy khoa học. [18]

1. Trong khoa học thực nghiệm
Ý niệm về sự phức tạp không thể đơn giản hơn nữa được dùng lần đầu tiên bởi Michael Behe, một giáo sư sinh hóa học. Ông định nghĩa rằng hệ thống phức tạp không thể đơn giản hơn là “một hệ thống gồm nhiều phần tử ăn khớp, tác động qua lại để đóng góp vào chức năng căn bản mà nếu lấy đi một trong những phần tử đó thì kết quả sẽ làm hệ thống ngưng hoạt động.” [19] Một trong các thí dụ Behe trưng ra như là bằng chứng để hỗ trợ lập luận này là thí dụ hệ thống flagellum được NCTH ưng ý và sử dụng nhiều nhất. Nhưng các nhà khoa học sinh hóa đã chứng minh rằng hệ thống flagellum thực sự có thể tiến hóa được, [20] và những thí dụ của Behe đưa ra chỉ là lối lập luận ngụy biện vì phải kêu gọi tới sự ngờ vực (appeal to incredulity). [21] Chính đó là Thượng Đế của các lỗ trống.
Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien03.jpg
Hình 3: Biểu đồ flagellum được đăng ở nhiều trang điện báo chống phá thuyết tiến hóa
và ở tờ bìa của cuốn No Free Lunch của William Dembski.
             
           Flagellum được xem như là động cơ bám dính xung quanh màng vỏ của con vi khuẩn để kích hoạt con vi khuẩn hoạt động. Thông thường, người ta hay hiểu lầm vi khuẩn là những thứ ký sinh trùng ăn bám, có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định có nhiều loại vi khuẩn không những có lợi mà còn cần thiết cho các tế bào. Các vi khuẩn làm hại tế bào tiết ra một loại protein độc hại có thể xâm nhập qua màng vỏ của tế bào để giết tế bào. Một hệ thống có phận sự bài tiết chất độc, được gọi tắt là TTSS (type III secretory system), đã được các nhà khoa học khám phá, là một phần tử của hệ thống flagellum. Những thành quả do các nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học vô tình đã phản bác thí dụ flagellum của Behe.

Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien04.jpg
Hình 4: Cấu trúc của TTSS giống như phần cuối của flagellum ở hình 2.
          Sự giống nhau này chứng minh rằng flagellum còn có thể đơn giản hơn nữa mà vẫn hoạt động bình thường.
Như vậy, bảo rằng flagellum không thể đơn giản hơn đã mâu thuẫn với sự kiện là flagellum đã bị cắt bỏ để chỉ còn phần tử TTSS nhưng vẫn có thể hoạt động như flagellum. Một cấu trúc quá phức tạp được cho là không thể đơn giản hơn đã được đơn giản hơn nữa.
Vào năm 2005, trong vụ kiện Kitzmiller v. Dover Area School mà Michael Behe có dịp trình bày bằng chứng về sự phức tạp không thể đơn giản hơn, tòa án đã phán quyết “Quan điểm của Giáo sư Behe về sự phức tạp không thể đơn giản hơn đã bị phản bác bởi nhiều bài nghiên cứu của các đồng nghiệp và đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ” [22]
EvoLit: Trong thời gian tới tôi sẽ dịch một số video về các hệ thống không thể đơn giản hơn nữa

2. Trong luận lý học
             Thực ra, lối lập luận dựa trên sự phức tạp không thể đơn giản hơn này chỉ là lập lại lập luận kêu gọi tới sự vô minh, nghĩa là chúng ta cứ việc mang một siêu sinh vật (Thượng Đế) ra một cách vô tội vạ để làm nguyên nhân cho những gì chúng ta chưa biết giải thích. Chẳng hạn, ngày xưa chúng ta chưa biết giải thích các hiện tượng sóng thần, núi lửa, động đất thì chúng ta có thủy thần, sơn thần. Ngày nay, những hiện tượng này đã được khoa học giải thích một cách tường tận nên chẳng còn ai tin vào sự hiện hữu của những thần thánh này. Đó chính là Thượng Đế của những lỗ trống, và các lỗ trống là những thứ không thể nào phủ lấp hết vì chúng ta cứ việc tạo thêm ra rất dễ dàng.

              Khi Machael Behe trưng ra thí dụ về hệ thốn phức tạp flagellum không thể đơn giản hơn nữa bởi vì nếu thiếu một trong những thành phần cấu tạo hệ thống thì hệ thống sẽ vô dụng, thì chúng ta chỉ có một sự phức tạp mà khoa học cần phải giải thích. Nhưng khi các nhà khoa học tìm ra hệ thống TTSS như đã trình bày ở trên thì tự nhiên chúng ta lại có hai sự phức tạp cần phải đối đầu. Cũng vậy, khi các nhà khoa học chưa giải thích được các lỗ trống của các xương hóa thạch chứng minh những thời kỳ chuyển tiếp của các chủng loại thì người ta phải dựa vào lập luận thiết kế thông minh để giải thích. Nhưng khi các nhà khoa học đã tìm thấy vô số những xương hóa thạch để giải thích những thời kỳ chuyển tiếp, kể cả những xương hóa thạch giải thích nguồn gốc của loài cá voi, thì các NCTH lại tiếp tục ồn ào dèm pha khoa học. Nếu trước đây chỉ có một lỗ trống cần phủ lấp thì bây giờ lại có tới hai lỗ trống cần phủ lấp. Và cứ như vậy thì khoa học sẽ đời đời chẳng có cách nào phủ lấp hết mọi lỗ trống.

            Lập luận dựa trên một siêu sinh vật để giải thích một điều chưa biết không phải là một sự giải thích đúng nghĩa, bởi vì mang một nguyên nhân quá phức tạp mà chúng ta không thể giải thích được (Thượng Đế) để giải thích một nguyên nhân đơn giản hơn càng làm cho điều chúng ta muốn giải thích tối tăm thêm. [...]

Richard Dawkins lý luận rằng: “Đối với tôi, điều quan trọng là, ngay cả nếu nhà vật lý cần qui định một tối thiểu không thể nhỏ hơn nữa, là thứ đã hiện hữu từ buổi ban đầu để vũ trụ có thể khởi sự, cái tối thiểu không thể nhỏ hơn đó chắc chắn phải đơn giản kinh khủng. Do định nghĩa, sự giải thích dựa trên những tiền đề đơn giản thì hợp lý và thỏa mãn hơn sự giải thích dựa trên những tiền đề phức tạp bắt đầu bằng một xác suất không thể xảy ra. Và bạn không thể có thứ gì phức tạp hơn một Thượng Đế toàn năng.” [23]

EvoLit: Nghiên cứu về vũ trụ, thiên nhiên ai cũng biết là đại sự lâu dài, là sứ mệnh khổng lồ nhất của nhân loại; việc này cần thời gian, công sức & đầu tư RẤT RẤT NHIỀU. Trong khi mãi gần đây chúng ta mới tạo ra được các trang thiết bị thô sơ (so với đối tượng nghiên cứu) để bắt đầu tìm hiểu thế giới quanh mình. Đòi hỏi phải có câu trả lời liền, ngay và lập tức (^^) là vô lý, mà vì không lấy được câu trả lời liền, ngay & lập tức  - vin vào cớ còn quá nhiều điều khoa học chưa biết - thì phải chấp nhận một câu chuyện siêu nhiên thiếu cơ sở lại càng vô lý hơn. Câu trả lời thành thật nhất vẫn là: chúng ta chưa biết, nhưng dựa vào những bằng chứng hiện có, học thuyết abc (thuyết tương đối, thuyết tế bào, thuyết vi trùng, thuyết tiến hóa) là lời giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng xyz..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quy định về bình luận cho môi trường thảo luận xanh, sạch, đẹp từ ngày 14/06/2016
*Vui lòng cư xử trí thức, lịch sự
*Đây là trang web khoa học, vui lòng không bàn tôn giáo. Sau một lần nhắc nhở sẽ bị xóa
*Đây là trang web học thuật, tranh luận phải có cơ sở. Những phát ngôn không có căn cứ gây mất thời gian của tất cả mọi người, vì thế nếu sau khi nhắc nhở mà vẫn tái phạm, sẽ bị xóa hết bình luận

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.