Chuyên mục

14 tháng 6, 2012

Tổng hợp về phôi thai của Haeckel P5 - Khe mang và các đặc điểm khác

             Loạt bài Haeckel có thể kết thúc ở P4 (đó là lí do phụ để 1 năm sau tôi mới viết phần 5, lí do chính là tôi đãng trí, quên mất mình cần viết phần 5), nhưng hôm nay chúng ta sẽ mở rộng ra & nói thêm về khe mang/ túi hầu (gill slits/pharyngeal clefts) và dấu vết tiến hóa trong những sinh vật chưa ra đời, để hiểu lí do tại sao Darwin viết phôi học “Là lớp bằng chứng mạnh mẽ nhất” cho học thuyết của ông (dù ngày nay đó là Di truyền – thời Darwin chưa có).

Lược dịch từ Gill Slits By Any Other Name


Khe mang/ túi hầu/ cung họng (gill slits/larynxgeal pouches/pharyngeal archs):
Túi hầu quan trọng tới nỗi nó là một trong số các đặc điểm nhận diện của ngành động vật có dây sống (Chordata).
Chúng được kết hợp lại do ở một số giai đoạn trong cuộc đời thì chúng đều có dây sống- dây thần kinh ở lưng và rỗng, các khe hở thuộc hầu, trụ trong đuôi có bắp thịt mở rộng về phía sau hậu môn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng những loài động vật có dây sống thực thụ cần phải có khoang túi thuộc hầu hơn là các khe hở. “ (Theo Wikipedia tiếng Việt).
Chỗ này, những NCTH chỉ trích ở 3 điểm chính:
  1. Gọi đây là khe mang là sai vì chúng chưa bao giờ là mang và còn chẳng phải là khe.
Không bao giờ trong qúa trình phát triển của con người mà ta hấp thu oxy từ nước như cá dùng mang cả (phôi người được cung cấp oxy hoàn toàn qua nhau thai). Thật ra những “khe mang” này còn chẳng phải là khe” (Mitchell & Mitchell 2007) (2)
  1. Tất cả những điểm tương đồng mà giữa mang của ĐVCXS sống dưới nước & động vật có màng ối (amniotes – bò sát, chim, thú) đều chỉ là bề ngoài giống mà thôi.
Cũng theo Mitchell, vào ngày thứ 28 sau thụ tinh thì tủy sống & não phát triển hơn các phần còn lại rất nhiều & vì thế làm cho cơ thể cong lại => những nếp gấp đó chẳng qua giống như phần nọng của một người mập đang cúi đầu => chỉ có NHÌN giống mang thôi. (3)
Các nếp gấp hầu còn chẳng bao giờ là mang chưa hoàn thiện; chúng không bao giờ “giống mang” trừ khi hiểu theo nghĩa thoáng là chúng hình thành 1 chuỗi các đường song song ở vùng cổ.” - (Wells 2000, pp.105-106) (4)
  1. Gọi các túi hầu của động vật có màng ối là “khe mang” khi chúng không có chức năng như mang là đang “nhồi tiến hóa vào phát triển”
Cách duy nhất để nhìn thấy các cấu trúc “giống mang” ở phôi người là “nhồi” tiến hóa vào phát triển” - The only way to see “gill-like” structures in human embryos is to read evolution into development. (Wells 2000, pp.105-106)

Sau đây là phân tích:
  1. 1 + 3. Khe mang dưới bất kỳ tên gọi nào khác:

Đây là tranh cãi về khái niệm, lý luận dài nên nếu chỉ muốn biết về bản chất của khe mang bạn có thể bỏ qua





Ẩn/Hiện nội dung
Thật ra đây chỉ là cãi cố về cách chúng ta gọi một cấu trúc cùng với một cuộc “đập hình nộm” (tiếng Anh: strawman fallacy) – tức là vì không thể trực tiếp hạ người nào, đối phương diễn giải xuyên tạc lập trường của người đó để có thể tạo ra một hình nộm không sức chống cự rồi bay vào đánh đá đập châm chích nó te tua tơi tả tàn tạ tiều tụy và ảo tưởng rằng đã đánh bại được người đó. Người hiểu biết nhìn vào sẽ thấy việc này rất ngớ ngẩn, vì dù thủ phạm có thể cố tìm được sợi tóc hay mảnh quần áo nào của người tranh luận mà đính vào hình nhân của mình thì đó cũng chỉ là hình nộm, hắn chưa hề “phủi bụi” được cho luận điểm thật sự của người kia.

Hình nộm của những người chống tiến hóa (NCTH) là người ủng hộ tiến hóa (NUHTH) đang lừa gạt học sinh rằng phôi người thực sự có mang. Thực ra, cấu trúc này đã được phát hiện & đặt tên trước cả khi cả thuyết tiến hóa (1859) lẫn Haeckel (1834) ra đời bởi  Martin Heinrich Rathke (1793-1860) vào năm 1825 (Rathke 1825a & 1825b). Rathke đã gọi chúng là “Schlundspalten” (“Khe cổ”) và cả “Kiemenspalten” (“khe mang”). Phần phản biện cho thuật ngữ này cũng lớn tuổi hơn thuyết tiến hóa:

Công phát hiện & thực sự diễn giải các khe mang trong phôi của những loài ĐVCXS cấp cao thuộc về Rathke, […] Không lâu sau điều này, Huschke đã minh họa bằng trường hợp cụ thể ở gà […]. Mới gần đây thôi Reichert nghiên cứu sâu về chủ đề này; ông ấy gọi các cung mang này là cung nội tạng (visceral arches) Müller’s Archiv für 1837. Khẳng định của ông rằng chúng không phải là cung mang, chẳng qua chỉ là bất đồng về một chữ mà thôi; chưa bao giờ ai ảo tưởng rằng những bộ phận chúng ta đang nói tới là mang thực thụ; nhưng chúng là các cung mạch mà ở mọi khía cạnh đều tương đồng với các cung mạch của mang cá, chỉ trừ việc chúng không phân nhánh (Wagner 1844, p. 111,) (5)

Điều Rudolf Wagner nói 168 năm về trước hôm nay vẫn đúng. Không nhà sinh học nào, kể cả trong SGK Việt Nam, bảo mang đó dùng để thở thật sự cả. Thật ra, chỉ có một nhà sinh học duy nhất từng viết là các khe mang thực sự hoạt động như mang thôi, và đó là Agassiz, một nhà sinh học nổi tiếng – một người theo Sáng tạo luận - chống tiến hóa đến cuối đời.

“Từ đó có thể nói hoàn toàn chính xác rằng, những loài ĐVCXS cao cấp hơn trải qua những thay đổi mà qua đó trong những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, chúng trông giống những loài thấp hơn; rằng có một giai đoạn mà con chim non có cái cấu trúc, không chỉ hình dáng, mà là cái cấu trúc, và thậm chí là những cái vây, những thứ đặc thù của Cá. Và với thú có vú con cũng có thể nói như thế. Có một giai đoạn trong cấu trúc của Thỏ con, (mà các nghiên cứu đã miêu tả sâu hơn bất cứ loài nào khác,) khi con Thỏ con giống con Cá tới mức nó có cả mang, sống trong một cái túi toàn nước và thở như Cá thở (Agassiz 1849, p. 96)” (6)


Theo những NCTH, các nhà khoa học vốn theo Sáng tạo luận đã “nhồi tiến hóa vào phát triển” ngay trước khi tiến hóa ra đời!? Thật là hài, chính Haeckel – NUHTH bị 'quăng gạch' dữ dội trong vấn đề này - đã viết:

Ở tất cả ĐVCXS đã bàn tới [cá mút đá, cá mập, cá xương] chúng ta đều thấy rằng chúng hoặc luôn luôn thở qua mang, hoặc chí ít cũng làm thế trong giai đoạn đầu đời, cũng như trường hợp Ếch & Kì Giông. Mặt khác, chúng ta chưa bao giờ bắt gặp một con Bò sát, Chim, hay Thú có vú mà ở bất kì giai đoạn nào trong đời thực sự thở qua mang, và những cung-mang và các lỗ hở có tồn tại ở những phôi này thì, trong quá trình phát triển cá thể, biến đổi thành những cấu trúc hoàn toàn khác, là các phần của bộ phận hàm hay cơ quan nghe (Haeckel 1902, p.302,)” (7)


Chim Kiwi (một loài chim nhỏ không bay được ở New Zealand gần gũi với đà điểu) có một cặp cơ quan ở hai bên hông chưa bao giờ dùng để bay hay có bất kỳ tác dụng nào của cánh, người ta vẫn cứ gọi nó là mầm cánh – wing bud. Phôi cá heo/cá voi, các bạn nhìn lên hình ở
đây, vị trí của “chân” sẽ thấy có 2 cục hơi nhô ra dù bình thường không có bộ phận nào ở đó – đó là mầm chân sau, thường sẽ bị hấp thu trở lại vào cơ thể nhưng đôi khi sẽ có những con cá heo/cá voi sinh ra có 'chân'thường không đi đủ cặp, cân đối hay hoàn chỉnh nhưng khi có là nó sẽ ở ngay vị trí 'chân'. Không ai phản đối 2 cách gọi này dù về bản chất chúng cũng giống như khe mang: cấu trúc tương đồng về gen và về mặt giải phẫu với những cấu trúc sẽ phát triển thành bộ phận x có chức năng y ở loài động vật z.

  1. Khe mang có thực sự là “khe”?




Cung hầu ở phôi cá mập



Cung hầu ở phôi người



        Dù ta có gọi các cấu trúc hầu này là gì, cái chính là chúng có điểm tương đồng nào với mang của “cá”(*), hay ít nhất là những cấu trúc hầu trong phôi “cá” mà sẽ trẻ thành mang không? Lời của những NCTH có thể gây hiểu nhầm rằng những khe & túi hầu chẳng có gì hơn “ những nếp gấp khúc” hay “những đường song song” ở lớp nội bì (cái sẽ trở thành da & nhiều thứ khác) của phôi thai; như những nếp bạn thấy trên ống nước tưới vườn bị gập cong.
(*)Để “cá” trong ngoặc kép vì cá không chỉ là “sinh vật có xương sống bơi dưới nước, có vây & có mang” chỉ là định nghĩa thông thường, “cá” có thể là loài thuộc Lớp Cá Sụn —the Chondrichthyes (cá mập, cá đuối, chimaeras – cá mập ma), hoặc Lớp Cá vây tia - the Actinopterygii (chiếm đại đa số cá hiện nay), và lớp Cá vây thùy - the Sarcopterygii (động vật bốn chân trên cạn tiến hóa từ nhóm này).

          Nhưng hãy tự hỏi mình câu này: nếu thực sự chúng chỉ là như thế, chỉ như một cái ống xiêu vẹo hay một cái nọng cằm, sao các nhà sinh học lại khoái chúng tới mức họ coi chúng là một trong những đặc điểm điển hình của ngành có dây sống? Như thường lệ, câu chuyện phức tạp hơn nhiều so với những gì NCTH cho bạn biết. Sự thật là, khi chúng ta xem xét kỹ những chi tiết trong những cấu trúc này, chúng ta không chỉ tìm thấy sự giống nhau bề ngoài mà là một tập hợp những điểm tương đồng về mặt giải phẫu giữa những cung mang “cá” & những cấu trúc hầu ở phôi thai động vật có màng ối.


Mỗi cung hầu (ở trước một khe/túi hầu) chứa các thành phần thuộc: hệ xương, cơ, thần kinh & tuần hoàn. Ở tâm của mỗi cung là thành phần sụn, bên hông là một cung động mạch chủ, dây thần kinh sọ & thành phần cơ.




Lát cắt phôi thai


Source bionalogy.com, with modifications.

Túi & khe
NCTH thích nhai đi nhai lại rằng với động vật có màng ối, “khe mang” chẳng những không phải là mang mà cũng chẳng phải khe. Và họ có phần đúng nếu như “khe” nghĩa là một vùng hở không có gì che chắn bên ngoài vùng cổ với bên trong. Nghĩa là, về lý thuyết thì họ đúng với sự phát triển bình thường của thú có vú, tuy nhiên điều này lại không đúng với tất cả động vật có xương sống không phải cá, và cũng không phải luôn đúng với tất cả thú có vú bao gồm cả con người.

Với các động vật có màng ối 'bình thường', bao gồm cả con người chúng ta, thứ duy nhất ngăn chúng ta có ít nhất một khe hở trong cặp khe hầu đầu tiên là các màng da mỏng, các màng nhĩ. Không có chúng thì chúng ta sẽ có những ống dẫn mở từ tai ngoài qua tai giữa & vòi Ot-tat ( Eustachian tubes) xuống cổ họng.


Với các khe hầu khác, một vài trong số chúng mở hoàn toàn ở ấu trùng của một số loài lưỡng cư thở qua mang y như “cá”. Hơn nữa các khe hầu sau tai cũng mở tạm thời ở một số loài bò sát & chim chỉ để rồi đóng lại trong quá trình phát triển bình thường của phôi.=> Với một số lưỡng cư chúng chính xác là khe mang, với một số chim & thú chúng chính xác là khe (mở vào cổ họng).
Và dù đúng là thú có vú thường không có những 'khe' thực thụ, đôi khi vài cá thể phát triển không bình thường vẫn có. Đã có nhiều trường hợp có một hoặc cả hai khe hầu số 2 hở ra & vẫn mở cho đến sau khi sinh (dẫn chứng bằng tiếng Anh: 1, 2, 3). Hiện tượng này (lại tổ, atavism) tương tự như các trường hợp cá voi sinh ra có chân sau.


Các cung hầu
Mỗi cung hầu có một thanh sụn, cung đầu tiên (cung hàm dưới) như đã nói ở trên, phát triển thành xương hàm của tất cả sinh vật có hàm. Với bò sát & chim, nó bao gồm nhiều xương của h àm dưới; trong khi ở thú có vú nó phát triển thành một xương hàm dưới duy nhất & 2 xương của tai trong (xương búa & xương đe).
Xem thêm bài tiếng Anh về tiến hóa các xương tai: “Evolution of mammalian auditory ossicles” (Wikipedia)
Ở “cá”, những cung khác nâng đỡ mang trong khi ở động vật có màng ối, chúng được biến đổi thành những cấu trúc khác ở cổ. VD, cung số 2 thành xương móng ở cổ họng & xương bàn đạp trong tai thú có vú.




Màu sắc cung: Thứ nhất = I, Thứ 2 = II, Thứ 3 = III, Thứ 4 = IV, Thứ 6 = VI
Cung động mạch
Chạy song song với thanh sụn trong các cung hầu là những động mạch chủ. Ở cá & ấu trùng lưỡng cứ chúng đưa máu đến mang (nơi thải khí CO2 & nạp O2) & ra động mạch chủ lưng. Ở động vật có màng ối cnũg vậy, máu đi từ tim vòng qua cổ xuống động mạch chủ lưng, tuy nhiên chúng không phát triển những mao mạch & sợi nhỏ li ti của mang thực thụ. Thay vào đó nó biến đổi cho các mục đích khác, VD như ở động vật bốn chân (lưỡng cư, bò sát, chim (vâng, chim được tính là 4 chi :)) ) & thú có vú) cung động mạch chủ thứ 6 phát triển thành động mạch phổi. Một điểm thú vị là sự sắp xếp này tình cờ cũng xảy ra với các cung động mạch ở các loài cả thở bằng mang & phổi (cá phổi, lung fish, dipnoans) (Kardong 2009, p.456), mà dựa trên giải phẫu so sánh & di truyền học (Venkatesh et al. 2001) (Takezaki et al. 2004) là thuộc nhóm cá vây thùy, Sarcopterygii, mà như đã nói ở tre6n, là nhóm “cá” gần với động vật 4 chân nhất.
From Eastern Kentucky University BIO 342 Comparative Vertebrate Anatomy site, with modifications (I colored and labeled the hearts).

Lưu ý vị trí tương đối của tim so với các cung hầu trong sơ đồ phôi thai động vật có màng ối: ở ngay dưới & gần cuối các cung động mạch chủ. Ở “cá”, tim giữ nguyên vị trí này: Ở ngay dưới & gần cuối mang. Ở động vật có màng ối, khi các cấu trúc hầu phát triển thành hàm & cổ, trái tim bị tách khỏi vùng sẽ là cổ ở sinh vật trưởng thành ( bạn sẽ thấy tầm quan trọng của điều này khi ta xét tới dây thần kinh), di chuyển xuống ngực




(Stansfield 1977)

Dây thần kinh
Như đã nói, cung hầu đầu tiên phát triển thành xương hàm của tất cả động vật có xương sống có hàm (gnathostomes), nơi có dây thần kinh sọ số 5(trigeminal) kết nối não với hàm & các phần khác của mặt.




<=(Shubin 2009, p.92)

Một dây thần kinh đáng quan tâm khác là dây thnầ kinh số 10 (dây thần kinh phế vị, X, vagus nerve). Ở “cá”, nó đi từ đáy sọ và kết nối nhiều cơ quan trong cơ thể, giữa đường có phân nhánh. Nhánh số 4 sẽ phân bố ở các mang của cung hầu số 6; đây là một đường đi khá là thẳng từ phần đỉnh của cá tới phần đáy (xem hình)

Dịch từ chú thích gốc: Thoạt nhìn các dây thần kinh sọ của ta (góc phải) có vẻ khác với của cá mập. Nhưng nhìn kỹ thì ta sẽ thấy những điểm tương đồng rõ rệt. Gần như tất cả các dây thần kinh của chúng ta đều có ở cá mập. Và sự tương đồng không dừng lại ở đó: những dây thần kinh tương ứng ở người và cá mập truyền tín hiệu cho những bộ phận tương ứng, và chúng còn đi ra khỏi sọ theo cùng trình tự (góc trên trái, phải).






Coyne 2009, p.83



Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, cung hầu số 4 & 6 nhập làm một – sau cung số 5 bị tái hấp thụ. Cung 4/6 góp phần tạo nên thanh quản (larynx). Vui ở chỗ là khi cái cổ dài tiến hóa ở động vật có màng ối (cá làm gì có cổ) vá nhánh số 4 của dây thần kinh số 10 – giờ gọi dây thần kinh thanh quản hồi quy - recurrent laryngeal nerve — bị vướng vào cung động mạch chủ số 6 và bị lôi xuống ngực, biến cái vốn dĩ là một đường thẳng dọc theo cung mang số 6 ở “cá” thành một đường cà vòng cà vèo khi dây thần kinh số 10 đi ra từ đáy não đi xuống tới ngực, chạy vòng quanh động mạch phổi rồi quay ngược về (hồi quy) lên cổ tới thanh quản.


Điều này dẫn tới dây thần kinh thanh quản có kích cỡ “khủng bố” như ở hươu cao cổ: sơ đồ cho thấy rõ một đường đi 5 mét (15 feet) để truyền một tín hiệu cách điểm đích chừng chục cm! (Vậy bạn đã nghĩ tới trường hợp của khủng long cổ dài chưa? Có thể lên tới 30m!!!)

           Nếu bạn chịu được cảnh máu me & muốn tận mắt thấy RLN, thì chương trình Inside Nature’s Giants (Nghĩa đen là Bên Trong Kẻ Khổng Lồ, mình sao chẳng nghĩ ra được cái tựa gì sáng tạo để “tạm dịch” =.=” ) của Anh có giải phẫu một con hươu cao cổ (Tập 4), đặc biệt quan tâm tới dây thần kinh thanh quản hồi quy. Có lẽ vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi hươu cao cổ không phát ra nhiều âm thanh: Khi tín hiệu yêu cầu tạo ra âm thanh đã đi được từ não xuống cổ & lên ngược lại xong thì chúng quên mất tiêu tại sao chúng phải tạo âm rồi!
          Tình trạng “có đường quang không đi lại đâm vào bụi rậm” này có vẻ phi lí đứng từ quan điểm kĩ thuật - nếu như con hươu được một bàn tay siêu nhiên nào đó thiết kế ra như những NCTH khẳng định - nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu nếu động vật có màng ối thật ra chỉ là, theo nhà sinh học Neil Shubin, những con “cá” đã được mông má & chắp vá để đi trên cạn.

Sinh lý & Di truyền học
Những điểm tương đồng giữa các cung hầu ở “cá” & động vật có màng ối còn vượt ra ngoài lĩnh vực giải phẫu: còn có những điểm tương đồng về sinh lý & di truyền/
VD, dù tất cả chúng ta đều biết phôi động vật có màng ối không dùng “khe mang” để thở, có ít nhất một chức năng sinh lý bắt nguồn từ bộ máy hầu được giữ lại từ “cá” sang động vật có màng ối: điều hòa muối canxi (thành phần chủ yếu của xương ĐVCXS). “Cá” điều hòa canxi qua mang, trong khi động vật có màng ối làm điều này bằng cách tiết hoocmon từ tuyến giáp, tuyến này cũng tình cờ bắt nguồn từ túi hầu số 3 và/hoặc 4 (Okabe & Graham 2004).
Đọc thêm (tiếng Anh):
Dù NCTH cố tạo ấn tượng là sinh học hiện đại càng ngày càng phát hiện nhiều sự khác biệt giữa các sinh vật trong quá trình phát triển, sự thật hoàn toàn ngược lại: sự tương đồng giữa trong quá trình phát triển của sinh vật thật ra lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Ở cấp độ di truyền, có hai hệ gen quan trong (Hox & Dlx) điều khiển sự phát triển của vùng hâầ ở tất cả ĐVCXS



Kuratani 2004, p. 337 (fig. 3)

Một nhóm gen Hox cố định điuề khiển sự phát triển của các cấu trúc hầu từ đầu tới đuôi (anterior to posterior) từ ngay sau cung hầu đầu tiên (Hunt et al. 1991) (Prince et al. 1998) (Kuratani 2004). Tương tự, một nhóm gen Dlx được biểu hiện trong quá trình phát triển theo hướng trước ra sau (ventral/dorsal) (Schilling 2003) (MacDonald et al., 2010).


                Hox genes là tiêu biểu cho mối quan hệ này. Các genes này có đặc điểm nhận dạng như: đều có chuỗi 180 cặp ba-zơ gọi là homeobox(vì thế có tên Hox), đều là những protein liên kết ADN có nhiệm vụ “bật/tắt” các genes khác và có cách sắp xếp đặc thù. Trình tự của chúng trên nhiễm sắc thể trùng với trình tự biểu hiện của chúng: ở một đầu của cụm gene là Gene Hox được kích hoạt ở đầu sinh vật lần lượt tới các gene Hox theo trình tự trên cơ thể rồi tới gene Hox được kích hoạt ở đuôi sinh vật ở đầu còn lại của cụm genes. Những genes này có liên quan đến việc sắp xếp bố cục cơ thể sinh vật: đầu ở đâu, thân ở đâu... v.v. và được kích hoạt đầu tiên ở giai đoạn mầm đuôi (phylotypic). Một trong số các lí do của hiện tượng bảo toàn hình thái ở giai đoạn này là vì những genes này sẽ tương tác với nhau và với những gene khác để hình thành sơ đồ phát triển sau này. Giữa toàn thể các genes có sự tương tác với nhau và nhiều genes có thể được sử dụng nhiều lần, VD như người ta phát hiện có một vài mô kích thích sự hình thành thủy tinh thể, bao gồm trung bì tim => thay đổi thời gian biệt hóa tim có thể ảnh hưởng tới sự hình thành mắt! Vì thế là nền tảng cho toàn bộ quá trình phát triển sau này với quá nhiều quá trình phụ thuộc, hình thái giai đoạn mầm đuôi ít chịu ảnh hưởng của các biến đổi tiến hóa ở sinh vật trưởng thành => sinh vật có rất nhiều điểm tương đồng như đã phân tích.
 Tất cả genes trong cùng một cột đều tương đồng về thứ tự. Tất cả các động vật đã xét nghiệm từ trước đến nay đều có bản đồ thông tin vị trí này mã hóa trong bộ gen của chúng.
              Một kết quả bất ngờ của sinh học phân tử, không những phôi ĐVCXS mà tất cả động vật đa bào (từ giun đến côn trùng đến thú có vú đến sứa) đều dùng genes Hox để định hình cơ thể! Tuy nhiên có khác biệt: ĐVCXS có 4 bản sao của chuỗi genes Hox trong khi ruồi giấm Drosophila(động vật đầu tiên được phát hiện có genes Hox) chỉ có một cụm; chuột và người có 13 genes hox trong mỗi cụm còn  Drosophila 9, và Hydra (thủy tức) có 2. Sự thống nhất của các genes này trong quá trình phát triển của toàn thể động vật đã dẫn đến sự hình thành khái niệm zootype - dạng động vật – dạng chung liên kết tất cả động vật lại chứ không chỉ phôi thai của một ngành duy nhất (ngành ĐVCXS).
=> Trong khi những người như Jonathan Wells rêu rao rằng không có sự tương đồng giữa phôi thai của ĐVCXS, sinh học phân tử thực sự đang khám phá ra những thông tin mở rộng sự tương đồng ấy, tìm thấy những đặc điểm chung kết nối tất cả động vật!
***
Nếu muốn đọc thêm về những bằng chứng không thể chối cãi về những dấu vết vẫn còn trên chính thân thể của chúng ta do tổ tiên cá trong quá khứ để lại, và để đọc những kiến thức khoa học thực thụ do một nhà khoa học thực thụ viết, mời các bạn xem qua cuốn “Your Inner Fish – Con cá trong bạn” của Neil Shubin, mà NXB Trẻ đặt là “Tất cả chúng ta đều là cá”




Khuyến mãi tý cổ sinh vật học





Xem
Ngoài các chi tiết hay ho trên, mô thức phát triển của ĐVCXS - nơi mà một  thân thể sống dưới nước được biến đổi thành một sinh vật thích nghi tốt hơn với MT trên cạn – gần như trùng với lịch sử hóa thạch. (“cá” trước, rồi lưỡng cư, rồi động vật có màng ối)

những sinh vật có dây sống đầu tiên xuất hiện trong ghi chép hóa thạch là phân ngành sống đầu -
 cephalochordates những sinh vật giống cá nhỏ không có cả hàm và một cái đầu thật sự; rất giống với lưỡng tiêm  Branchiostoma  kiếm ăn bằng cách lọc nước qua mang. Sau đó các loài có dây sống xuất hiện trong ghi chép hóa thạch theo một trật tự rõ rệt (lưu ý rằng nội dung sau đã được giản lược rất nhiều)
  • Sinh vật có dây sống có đầu thực sự (Động vật có hộp sọ - Craniates) nhưng vẫn chưa có hàm giống như cá mút đá myxine hiện đại (hagfish).
  • ĐVCXS không hàm sơ khai (siêu lớp cá không hàm Agnathans) giống như cá mút đá hiện đại (lamprey)
    • Ấu trùng lamprey (ammocoetes) bề ngoài giống với lưỡng tiêm Branchiostoma  và lọc thức ăn qua mang theo cách tương tự. (xem hình lamprey so với hagfish)
  • Nhiều loài cá có mang (Động vật có quai hàm - Gnathostomes).
    • Hàm của một số Gnathostomes cổ (Acanthodians) trông giống như những cung hầu bị lớn ra.
  • Cá giống sinh vật bốn chân (Tetrapodomorpha, một nhóm nhỏ của  Sarcopterygii  đã nêu).
  • Sinh vật bốn chân sơ khai (sinh vật giống lưỡng cư).
    • Sinh vật bốn chân cổ giữ lại mang ở trong giống như cá Tetrapodomorpha.
  • Động vật có màng ối sơ khai (“Bò sát” không cung - Anapsid “reptiles”)
  • Lớp cung một bên sơ khai Synapsids (Tổ tiên của thú có vú) và Lớp hai cung  Diapsids (tổ tiên “bò sát” & chim)
  • Chim & thú sơ khai.
    • Thú sơ khai đẻ trứng giống như diapsids; các thú đơn huyệt - monotreme mammals vẫn giữ đặc tính này.
[Xin lưu ý rằng mô thức sắp xếp những biến đổi theo thời gian trong ghi chép hóa thạch – chuỗi sinh vật – đã được thừa nhận rộng rãi trước khi Darwin xuất bản sách Nguồn Gốc Các Loài (1859) rất lâu. Người đưa ra chúng chính là những nhà địa chất theo Sáng Tạo Luận – cho rằng Chúa Trời tạo ra muôn loài]


***

         Tới thời điểm này hy vọng rằng tôi đã cho các bạn thấy rằng việc những NCTH bảo rằng các cấu trúc hầu ở phôi động vật có màng ối chỉ là những “nếp gấp”, “rãnh” chỉ giống mang về hình thức nói trắng ra là LỪA ĐẢO. Có cả một đống tương đồng về giải phẫu, ít nhất một chu trình sinh lý chung, một sự tương đồng về cơ chế di truyền chi li mà họ không hề muốn bạn biết. Với trình độ của mình, Wells, (một nhà sinh học phát triển), Elizabeth Mitchell(bác sĩ sản khoa) & Menton(nhà giải phẫu học), phải đều hiểu rất rõ những kiến thức về giải phẫu/phôi học đã nói trên; vậy mà, họ rắp tâm lờ tịt hết những điều đó mà nói với độc giả, những người không chuyên chỉ có thể hy vọng vào lương tâm của người làm khoa học, rằng các khe hầu của động vật có màng ối chỉ như những đường song song hay là nọng cằm của người mập. Cái này là do dốt nát hay dối trá?


          Bỏ qua chuyện đó, thế họ giải thích thế nào về hiện tượng có những điểm tương đồng ở những phôi thai Đ VCXS rất khác nhau khi trưởng thành? Họ thích đưa ra những so sánh rất khập khiễng giữa sinh vật sống & những món nhân tạo như xe cộ: lý do sinh vật A có những điểm tương đồng với sinh vật B không phải do chúng có cùng tổ tiên mà là do 'cùng mẫu thiết kế' (common design), cũng như xe hơi sản xuất bởi 2 công ty khác nhau cùng có 4 bánh & pít tông (có một NCTH Việt đặt một giả thiết táo bạo <đọc lâu rồi tôi chỉ nhớ đại khái> : các siêu rô-bô sau này đào bới ra chiếc thủy phi cơ sẽ hình dung nó là bước trung gian khi tàu biến thành máy bay, theo <một cách hiểu méo mó về> thuyết tiến hóa). Vâng, hãy mạnh dạn so sánh như thế, vì xe cộ & thủy phi cơ cũng biết đẻ con, cũng chịu ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên & quy luật di truyền <thở dài>. Thử xét cách so sánh trên là đúng, thì câu hỏi đầu tiên bật ra là: nếu như động vật có màng ối là xe hơi, thì tại sao thuở đầu đời chúng lại phát triển một dạng phôi thai nhìn y như tàu ngầm?

         Nhiều người nghĩ rằng “bán cái” tất cả những sự vật hiện tượng trong tự nhiên vào tay một thế lực bí ẩn là họ đã trả lời được tất cả những câu hỏi nhức đầu. Điều này chẳng những là lười biếng & hèn nhát về tư duy mà còn đẻ thêm những câu hỏi nhức đầu hơn: “cùng một thiết kế”=> cùng nhà thiết kế hay cùng nhiều nhà thiết kế (như nhiều công ty xe hơi)? Họ thiết kế thế nào? Sao lại thiết kế như thế (VD, cái đường đi 30 m ấy)? Sao họ lại thiết kế trong khoảng thời gian họ đã chọn? Kể tới sáng mai không hết...
So sánh dây thần kinh hầu hồi quy - recurrent laryngeal nerve (rln) ở người, hươu cao cổ và khủng long cổ dài (nguồn)


          Mà nếu trong cái sự lười & nhát cùng cực, người ta bảo nhà thiết kế này toàn năng & đầu óc con người tầm thường hèn mọn không thể hiểu được (như cái xe không thể hiểu được kỹ sư thiết kế, ờ mà cái xe nó biết nghĩ chắc nó cũng không coi tự xem thường, lăng nhục bản thân & đồng loại như là một đức tính tốt như chúng ta) thì vấn đề càng tệ hơn: vì một “đấng thiết kế” như thế có thể tạo ra bất cứ thứ gì, bằng mọi cách, với những lí do chỉ “đấng” ấy mới biết. “Đấng” có thể tạo ra một thế giới toàn những sinh vật phản khoa học như sư điểu (griffin) hay nhân mã (centaur) mà nếu thích “đấng” có thể tạo ra một thế giới nhìn y như thể nó đã tiến hóa một cách tự nhiên mà không hề có sự can thiệp siêu nhiên nào (như thế giới chúng ta đang sống). Không có bất cứ quan sát thực tế nào có thể bác bỏ câu “Trời sinh nó vậy!”


           Hãy so nó với thuyết tiến hóa. Với thuyết tiến hóa, cho rằng mà các cơ quan được biến đổi từ những những thứ sẵn có để phục vụ những nhu cầu mới, thì sự tồn tại của những cấu trúc chắp vá, khôi hài & kém hiệu quả không những dễ hiểu, mà còn là một dự đoán của học thuyết. Nói cách khác, nếu tiến hóa là đúng thì chúng ta phải tìm thấy những thứ như thế này!

Trích dẫn và tham khảo






Hiện/Ẩn
(1)
(2) “Never in the course of development does a human embryo absorb oxygen from water as fish do with gills. (The human embryo is fully supplied with oxygen through the umbilical cord.) In fact, these “gill slits” are not even slits. (Mitchell & Mitchell 2007)
(3) So what are these misnamed structures? Actually, they are nothing more than folds in the region of the tiny embryo’s throat. By the 28th day of life, the embryo’s brain and spinal cord seem to be racing ahead of the rest of the body in growth. Therefore, for a time, the spinal cord is actually longer than the body, forcing the body to curl and flexing the neck area forward. (This curled embryo with the long spinal cord is mistakenly accused by some people of having a tail.)Just as many people develop a double chin when bending the neck forward, so the embryo has folds in its neck area due to this flexing. (Mitchell & Mitchell 2007)
(4)pharyngeal folds are never even rudimentary gills; they are never “gill-like” except in the superficial sense that they form a series of parallel lines in the neck region.” (Wells 2000, pp.105-106)
(5) “The discovery and true interpretation of the branchial fissures in the embryo of the higher vertebrata belongs to Rathke, […] Shortly after this, Huschke illustrated the matter particularly in the chick […]. Very recently Reichert has pursued the subject deeply; he calls the branchial arches visceral arches―Müller’s Archiv für 1837. His assertion, that these are not branchial arches, is a mere dispute about a word; it was never imagined that the parts in question were propergills; but they are vascular arches, which are in every respect analogous to the vascular arches of the gills of fishes, only not branching like these. (Wagner 1844, p. 111,)”
(6)”It may therefore be said with perfect propriety, that the higher Vertebrates undergo changes through which in different periods of their life, they resemble the lower ones; that there is a period when the young bird has the structure, not only the form, but the structure, and even the fins, which characterize the Fish. And of the young Mammals the same may be said. There is a period in the structure of the young Rabbit, (in which the investigations have been traced more extensively than in any other species,) when the young Rabbit resembles so closely the Fish, that it even has gills, living in a sac full of water breathing as Fishes do.” (Agassiz 1849, p. 96,)
(7)”In all Vertebrata already discussed [lampreys, sharks, bony fish] we found that they either always breathed through gills, or at least did so in early life, as in the case of Frogs and Salamanders. On the other hand, we never meet with a Reptile, Bird, or Mammal which at any period of its actual life breaths through gills, and the gill-arches and openings which do exist in the embryos are, during the course of their ontogeny, changed into entirely different structures, viz. into parts of the jaw-apparatus and the organ of hearing.” (Haeckel 1902, p.302,)

1 nhận xét:

Quy định về bình luận cho môi trường thảo luận xanh, sạch, đẹp từ ngày 14/06/2016
*Vui lòng cư xử trí thức, lịch sự
*Đây là trang web khoa học, vui lòng không bàn tôn giáo. Sau một lần nhắc nhở sẽ bị xóa
*Đây là trang web học thuật, tranh luận phải có cơ sở. Những phát ngôn không có căn cứ gây mất thời gian của tất cả mọi người, vì thế nếu sau khi nhắc nhở mà vẫn tái phạm, sẽ bị xóa hết bình luận

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.